Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp không còn lo lãi suất cao?

Sau nhiều đợt hạ lãi suất của các ngân hàng, những tháng cuối năm sẽ là thời điểm mà các doanh nghiệp không bàn nhiều về vấn đề lãi vay quá cao nữa, mà là lo về khả năng có hồi phục nhu cầu vốn đầu tư.

Trước câu hỏi của VnBusiness về quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tác động như thế nào tới doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Mây Tre đan Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) nói: “Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cần lãi suất hạ, nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì chỉ lãi suất hạ thôi là chưa đủ. Những doanh nghiệp có khoản vay cũ thì có nhu cầu hạ lãi suất, còn doanh nghiệp sản xuất có doanh thu giảm 60 - 70% thì vay mới để làm gì? Không có đơn hàng thì sản xuất gì?”.

Doanh nghiệp “đói” đơn hàng hơn “đói” vốn

Còn nhớ, vào những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để xoay xở kinh doanh, dù lãi suất cao. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang có chiều hướng ngược lại. Việc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thuận lợi và lãi suất thấp hơn nhưng doanh nghiệp không mặn mà, bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.

Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, hiện lãi suất đang giảm tích cực. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%/năm, bằng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Dù vậy, dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, nguyên nhân tín dụng tăng chậm là do tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp; Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Như vậy, cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

“Có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay”, ông Tú cho biết.

-7480-1688979533.jpg

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp không phải là lãi suất vay cao hay thấp, mà chủ yếu là thiếu đơn hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Thực trạng này cũng được lãnh đạo Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA) chia sẻ trong một triển lãm gần đây. Phó chủ tịch Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ, vừa qua, ngân hàng thương mại có giảm lãi vay là một bước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng hiện nay quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm.

“Trải qua một giai đoạn doanh nghiệp trụ không nổi nữa thì nhu cầu vốn cũng giảm đi. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng rất thực tế”, ông Hiến nói.

Trao đổi với VnBusiness, lãnh đạo của một doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cho biết, vấn đề thực sự của đa số doanh nghiệp ngành xuất khẩu hiện nay không phải là lãi suất vay cao hay thấp mà chủ yếu là đầu ra.

"Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… khiến đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp. Đầu ra không có dẫn đến không thể thanh khoản. Do đó, hiện nay, mối quan tâm của doanh nghiệp chủ yếu là đơn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm chứ không còn là vấn đề lãi suất cao hay thấp", vị này cho hay.

Trước bối cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động, thu hẹp sản xuất, trả lương ở mức độ nhất định để giữ công nhân. Nhưng vẫn có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì thực tế không có đơn hàng, hay số khác phải chấp nhận dừng hoạt động.

Khi cầu được khích lệ, doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Bộ phận hỗ trợ cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy rõ vấn đề này: Gần 60% trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp được khảo sát trả lời khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng, theo đó các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất.

Trước thực trạng tín dụng tăng chậm, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện các ngân hàng đưa ra rất nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Xu hướng chung là tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tiếp theo.

Dự báo sau nhiều đợt hạ lãi suất của các ngân hàng, trong các tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp không bàn nhiều về vấn đề lãi vay quá cao nữa, mà là lo về khả năng có hồi phục nhu cầu vốn hay không.

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất cao hay điều kiện tiếp cận tín dụng khó khăn cũng là một khía cạnh, nhưng cốt lõi hiện nay là giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế. Cầu ở đây bao gồm: cầu sản xuất, cầu tiêu dùng. Khi cầu được khích lệ, doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn.

Những hỗ trợ từ chính sách tài khóa, chính sách tăng lương cơ sở, giảm thuế giá trị gia tăng được kỳ vọng góp phần kích thích tăng nhu cầu chi tiêu nội địa và phục hồi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nguyên Giám đốc trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cho rằng, việc giảm lãi suất có kích thích nhu cầu vay vốn, nhưng không phải tất cả.

Bởi, đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và như vậy doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, "Hạ lãi suất cũng chỉ là một cách để kích cầu tín dụng, nhưng cần có những biện pháp tổng thể hơn nữa, cầu tín dụng mới có thể khá lên được và tăng trưởng tín dụng mới được như mong muốn", bà Mùi nhận định.

Huyền Anh


Tác giả: Doanh nghiệp “đói” đơn hàng hơn “đói” vốn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết