Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng hóa Việt Nam bị đẩy giá lên 30-40% vì qua nhiều khâu trung gian?

Hàng hóa của Việt Nam khi mua bán qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30-40%, có khi tăng gấp đôi, gấp ba, khiến giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý. Đây cũng là một trong những 'nút thắt' làm cho sức mua bị ảnh hưởng thời gian qua.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023”. TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) dẫn số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Nhiều yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô, nếu như so với cùng kỳ năm trước, CPI các tháng năm 2022 đã bắt đầu tăng dần từ tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất vào tháng 6 là 3,37%. Tuy nhiên, năm 2023 thì xu thế lại theo hướng ngược lại, CPI các tháng so cùng kỳ năm trước liên tục giảm từ mức 4,89% vào tháng 1 xuống còn ở mức 2% vào tháng 6/2023.

Ngoài những nguyên nhân chính về giá nhà ở và vật liệu xây dựng; giá các mặt hàng thực phẩm; giá các sản phẩm thuộc lĩnh vực giáo dục và giá điện, một số vấn đề cũng khiến biến động của CPI như cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến, chế tạo giảm. Do hoạt động đầu tư, thương mại và tiêu dùng giảm sút đã tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài.

-4799-1688447408.jpg

Vải thiều không hạt ở Thanh Hóa được đầu tư khoa học kĩ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo tiếp thị,…bài bản bán được 600-700 nghìn/kg, tăng đến 25 lần so với các loại vải thông thường.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm nay đã phải cắt giảm sản xuất do không có đơn hàng mới hoặc thu hẹp quy mô của đơn hàng đã ký kết. Thu nhập của các công ty và người lao động giảm, chi tiêu thắt chặt là yếu tố kiềm chế tăng giá.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%).

Giá dầu và nhiên liệu trên thị trường thế giới không tăng mạnh như năm 2022. Bởi năm 2023, nhu cầu xăng dầu của thế giới không lớn do tăng trưởng kinh tế chậm, đồng thời với việc nguồn cung đã tương đối ổn định nên giá xăng dầu thế giới không có biến động quá lớn và tác động tới giá sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam.

Chính sách điều hành một số giá sản phẩm, đặc biệt là nhiên liệu (xăng dầu, điện...) chưa tốt. Từ đầu năm tới nay công tác điều hành giá, đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều bất cập. Đã có những khoảng thời gian khá dài thị trường cả nước thiếu xăng dầu trầm trọng, tác động lớn tới các hoạt động sản xuất và đời sống xã hội. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nắng nóng bất thường cộng với công tác quản lý, điều phối điện chưa tốt đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, biến động của giá cả và các hoạt động xã hội.

Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh tế ở một số tập đoàn, công ty lớn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thị trường tài chính, ngân hàng, hoạt động bảo hiểm... đã tác động ảnh hưởng tới dòng tiền, tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường giá cả.

Khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ. Theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ 5 tháng đầu năm 2023 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đó là một con số đáng khích lệ trong điều kiện còn nhiều khó khăn để khai thác tối đa sức mua của thị trường.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong giai đoạn tới vẫn cần phải khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và những cản trở cho sự tăng trưởng hằng năm của mặt trận kinh tế quan trọng này.

Trên thị trường hiện nay, nhiều điểm bán siêu thị đặc biệt là các trung tâm thương mại và các diện tích kinh doanh dịch vụ của các cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng đều bị thu hẹp, trống vắng khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Tại kênh truyền thống, doanh số bán hàng bị giảm mạnh, chợ có ít người vào mua hàng hơn so với mấy năm trước đây, do sức cạnh tranh yếu hơn bán lẻ hiện đại và còn ít được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức quản lý, mặc dù chợ đảm nhiệm đến 80% các mặt hàng thiết yếu, tươi sống cho tiêu dùng.

Ngoài ra, sức mua giảm sút còn bị tác động ở một số nguyên nhân khác như: Mức thuế VAT tiêu dùng đang thực hiện hầu hết là 10% được cho rằng còn khá cao. Hàng hóa của Việt Nam khi thực hiện việc mua bán qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30-40%, có khi tăng gấp đôi gấp ba.

“Chính vì vậy giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết, đây cũng là một 'nút thắt' làm cho sức mua bị ảnh hưởng lớn, điều này còn ảnh hưởng ngược lại đến sức sản xuất đang ngày một phát triển mạnh mẽ nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, có lúc gây ra ứ đọng phải giải cứu”, ông Phú nhận định.

Về lâu dài, ông Phú cho rằng, ở góc độ sản xuất, do công nghiệp chế biến còn thấp, chính vì vậy giá trị tăng thêm bị hạn chế, doanh số của một đơn vị hàng hóa không tăng lên được là bao. Ông lấy ví dụ về vải thiều Bắc Giang có hạt chỉ bán được bình quân 20-25 nghìn đồng/kg, trong khi đó vải thiều không hạt ở Thanh Hóa được đầu tư khoa học kĩ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo tiếp thị,… bán được 600-700 nghìn/kg, tăng đến 25 lần.

"Một khi chúng ta chịu khó nghiên cứu, đổi mới và đầu tư chiều sâu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì khi tiêu thụ hàng hóa chắc chắn doanh số bán lẻ sẽ tăng lên gấp bội, từ đó doanh số bán lẻ của hàng hóa Việt sẽ được tăng lên trong những năm tới", ông Phú nhận định.

Thanh Hồng


Tác giả: Nhiều yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết