Doanh nghiệp vào mùa sản xuất hàng Tết, bình ổn thị trường
Dự báo sức mua sẽ tăng trưởng tốt trong quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng hóa và bình ổn thị trường Tết 2023.
Doanh nghiệp tất bật sản xuất
Những ngày này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng Tết và gửi thông báo chào hàng đến các nhà phân phối.
Tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), một số dây chuyền đã "chạy" sản lượng cho mùa Tết. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết sức mua đang chuyển biến trong những ngày gần đây, dự báo sẽ tăng tốt trong quý IV/2022 và tháng 1-2023.
"Hiện nay, tâm lý người tiêu dùng không còn căng thẳng vì dịch COVID-19 nên sẽ ăn Tết, chơi Tết "bù" cho năm vừa rồi. Bên cạnh đó, Tết cổ truyền gần với Tết Dương lịch cũng là một động lực kích thích sức mua trong những tháng tới" - ông Phan Văn Dũng dự đoán.
Từ dự đoán này, Vissan đã chuẩn bị ngân sách 710 tỉ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo), tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhân Dần 2022 cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Vissan cam kết đủ hàng trước và sau Tết với giá ổn định.
Cùng thời điểm, công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì để sản xuất bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu dịp cuối năm, dự báo tăng khoảng 30%. Do đó, theo đại diện Duy Anh, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm.
Tương tự các công ty sản xuất - kinh doanh thịt, trứng gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết.
Doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ, sản xuất hàng Tết |
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, công ty tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp tết Quý Mão 2023. Theo bà Huân, tuy chưa dự kiến được giá bán lẻ nhưng công ty Ba Huân tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định. “Để phục vụ Tết 2023, công ty đã gây đàn gà, vịt với số lượng tăng 10 – 20%, đảm bảo đầy đủ sản lượng hàng hóa với giá cả ổn định cho người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Huân nhấn mạnh.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, để chủ động nguồn cung, ổn định thị trường, TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch từ sớm nhằm tránh những khó khăn có thể tác động không tốt đến thị trường.
Theo đó, TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết. Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện các hệ thống phân phối đã phát triển lớn mạnh nên hoàn toàn đáp ứng được việc phân phối, duy trì ổn định nguồn cung thị trường cuối năm. “Đối với doanh nghiệp ngoài bình ổn thị trường, nếu tăng giá bán sẽ khiến sức mua giảm lại. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc tăng giá", ông Phương nhận định.
Ông Ngô Hồng Y, lãnh đạo phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết trong mọi tình huống TP. Hồ Chí Minh luôn xác định đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để thiếu hụt vào dịp Tết.
Cũng theo cơ quan này, vào dịp cuối năm TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi đối với các mặt hàng tiêu dùng để kích cầu cho thị trường. Dự báo, trong năm nay, sức tiêu thụ của người dân sẽ tăng cao so với cùng kỳ 2 năm trước bởi thành phố đang phục hồi tốt sau đại dịch.
Để đảm bảo nguồn cung, đơn vị này đã đôn đốc xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự trữ nguồn hàng chiếm 25 - 43% so với các nhu cầu của người dân trên địa bàn, kết hợp hệ thống phân phối để chia sẻ chiết khấu và chiết khấu ưu đãi để không có áp lực giá. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng.