Doanh nghiệp xăng dầu băn khoăn về tính minh bạch của Quỹ Bình ổn
Làm thế nào để minh bạch trong trích lập quỹ bình ổn nhằm đạt được mục tiêu cũng như đúng với bản chất tên gọi “bình ổn" đang là mối quan tâm của các doanh nghiệp đặt ra với cơ quan quản lý.
Liên quan tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã nêu những bất cập trong việc điều tiết quỹ bình ổn, dẫn đến thiếu minh bạch.
Hết năm 2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.617 tỷ đồng. |
Cụ thể, khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều; khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ bình ổn là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản doanh nghiệp đầu mối?
"Vậy đối tượng nào được phép quản lý việc sử dụng, trong khi đối tượng người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao ai hưởng?", ông Thật cho rằng đây là quan hệ dân sự thiếu minh bạch.
"Vậy theo Bộ Tài chính làm thế nào để minh bạch trong trích lập Quỹ Bình ổn để đạt được mục tiêu và ý nghĩa tên gọi “bình ổn”, ông Thật đặt vấn đề.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc sửa đổi nghị định về xăng dầu tới đây sẽ đưa ra ba phương án là giữ nguyên quy định điều hành giá, nhưng cần thay đổi cách tính chi phí, tính đúng tính đủ. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra phương án là đưa xăng dầu về cho thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn, Nhà nước sẽ có giá tham chiếu. Phương án thứ ba là hoàn toàn trả hết cho thị trường, bỏ quỹ Bình ổn, bỏ can thiệp ngắn hạn.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2022, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.617 tỷ đồng, cao nhất từ quý I/2021 đến nay.
Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm 43% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỷ); Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (409 tỷ); Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (371 tỷ), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (294 tỷ đồng).
Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 510 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tổng công ty thương mại Sài Gòn âm từ hơn 10 tỷ đến âm 60 tỷ đồng.
Thy Lê