Du lịch Châu Á: Những điểm sáng về sự hồi sinh
Du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng cũng đã có một vài “mầm xanh” cho thấy sự hồi sinh của “ngành công nghiệp không khói” này. Thực tế, sự phục hồi chậm của ngành du lịch có thể gây những tác động lâu dài, như đóng cửa kinh doanh và trì hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, cũng như có nguy cơ làm mất giá và cản trở đầu tư vào nguồn nhân lực trong ngành.
Du lịch bắt đầu khởi sắc ở nhiều nước châu Á. Ảnh minh họa: Reuters/tuoitre.vn
Do đó, việc tăng tốc để thu hút sự trở lại của khách du lịch quốc tế là một mục tiêu chính sách quan trọng, nhất là đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Nắm bắt tình hình, châu Á đã nỗ lực để thúc đẩy ngành du lịch sớm “cất cánh”, trong đó việc mở cửa biên giới và dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch bắt buộc, cùng với việc vận dụng linh hoạt những ứng dụng trong quá trình số hóa ngành du lịch, được xem là “chìa khóa” cho sự phục hồi đang được nhiều nước triển khai.
Dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh
Được xem như một ví dụ điển hình, Maldives đã mở cửa trở lại cho du khách quốc tế từ tháng 7/2020, trước các điểm đến châu Á khác. Một chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng chính là nền tảng giúp du khách yên tâm tìm đến Maldives khi 80% nhân viên trong lĩnh vực du lịch ở quốc đảo này đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ vào giữa năm 2021. Nhờ đó, đến cuối năm ngoái, lượng khách du lịch đến đây đã trở lại mức trước đại dịch. Việc sớm loại bỏ các biện pháp kiểm dịch bắt buộc cũng khiến lượng khách đến Armenia, Georgia và Sri Lanka ngày càng tăng.
Tiếp sau đó, nhiều nền kinh tế châu Á đang phát triển khác cũng đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch bắt buộc vào quý IV/2021 đối với những du khách đã tiêm phòng đầy đủ. Đến đầu năm nay, Ấn Độ, Indonesia, Mông Cổ, Nepal và Việt Nam cũng dỡ bỏ các hạn chế để đón chào sự trở lại của khách du lịch quốc tế. Mới đây nhất, sau khi nới lỏng hơn nữa các quy định về du lịch nhập cảnh và cách ly do COVID-19 từ tháng 5, ngành du lịch Thái Lan đã nhận được nhiều kết quả tích cực và đang hướng tới mục tiêu gần nhất là đón từ 7-10 triệu lượt du khách tới thăm trong năm nay, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết.
Theo Chỉ số Sẵn sàng cho Du lịch năm 2022 do The Economist Intelligence Unit (EIU) - đơn vị nghiên cứu và phân tích của tập đoàn Economist, cùng với Maldives, Fiji, Sri Lanka và Malaysia đang nằm trong top những điểm đến có tiềm năng mạnh mẽ nhất để hồi phục du lịch hậu COVID-19.
Trong khi đó, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Papua New Guinea, Indonesia, Việt Nam, Mông Cổ và Hàn Quốc được xếp ở top giữa về sự hỗ trợ cho phục hồi du lịch.
Được biết, chỉ số này đo lường các điều kiện tạo thuận lợi cho du lịch ở các điểm đến, trong đó có đánh giá tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế, tỷ lệ tiêm chủng, sự dễ dàng khi di chuyển và sự thuận tiện cho du khách khi trở về nhà.
Trong báo cáo được công bố hồi cuối tháng 4, EIU đã nhấn mạnh rằng, chính sự kết hợp giữa tiêm chủng rộng rãi và hiệu quả, cùng với sự phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã thúc đẩy việc nới lỏng các chính sách du lịch của nhiều nước châu Á, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi du lịch ở các nước này.
Vận dụng “dữ liệu lớn” trong du lịch
Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nó cũng làm tăng nhanh quá trình số hóa. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một lượng lớn dữ liệu được thu thập hàng ngày – “dữ liệu lớn” - trong ngành du lịch có thể là chìa khóa cho sự hồi sinh thành công của ngành này.
Trong lĩnh vực du lịch, dữ liệu lớn được tạo ra bất cứ khi nào, chẳng hạn như khi người tiêu dùng tham gia vào các tìm kiếm du lịch trực tuyến và đặt phòng bằng các nền tảng kỹ thuật số như đại lý du lịch trực tuyến và hệ thống đặt phòng toàn cầu.
Nắm bắt đúng xu thế, các chính phủ châu Á ngày càng khai thác “dữ liệu lớn” để không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn để xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến du lịch. Ví dụ, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hợp tác với Expedia để chạy quảng cáo trên nhiều nền tảng web của Expedia, giúp thu hút nhiều khách du lịch quốc tế cao cấp và lần đầu đến Thái Lan, đồng thời giúp cân bằng lưu lượng khách trong mùa thấp điểm và cao điểm, cũng như phân tán khách du lịch đến các điểm đến vốn chưa được khám phá nhiều.
Ngoài ra, phân tích “dữ liệu lớn” về du lịch cũng được các nước sử dụng linh hoạt để nghiên cứu thói quen chi tiêu của du khách theo quốc gia, từ đó phát triển các chiến lược tiếp thị phù hợp với từng nhóm khách hàng đến thăm các vùng cụ thể.
Mặc dù việc khai thác “dữ liệu lớn” cũng đặt ra một số thách thức về công nghệ, thể chế, an ninh mạng hay quyền riêng tư về thông tin cá nhân, nhưng các nhà kinh tế của ADB vẫn khẳng định, việc sử dụng đầy đủ “dữ liệu lớn” cho du lịch của các doanh nghiệp và chính phủ ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của các nước châu Á – Thái Bình Dương sau đại dịch.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ ADB & Straitstimes)