Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá vàng giảm sâu nhưng vẫn chênh lệch kỷ lục gần 19 triệu đồng

Tại thị trường trong nước, giá vàng giảm mạnh hơn giá thế giới nhưng hiện vẫn cao hơn 19 triệu đồng/lượng.

Giá vàng Việt Nam "một mình một chợ"

Khảo sát giá vàng SJC tại thị trường trong nước lúc 11 giờ sáng nay 7/7, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 67,75 triệu đồng/lượng và bán ra 68,37 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng.

Giá vàng nữ trang giảm mạnh hơn với mức giảm 400.000 đồng/lượng, vàng nhẫn 9999 còn mua vào 51,75 triệu đồng/lượng và bán ra 52,45 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ sau 2 ngày, mỗi lượng vàng miếng trong nước đã sụt 350.000 - 400.000 đồng. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng cũng rất xa, trung bình 600.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá của vàng trong nước chậm hơn quốc tế khiến giá vàng SJC lại cao hơn lên gần 19 triệu đồng/lượng. Diễn biến trên tiếp tục khiến thị trường vàng trong nước "lạc lõng" so với thế giới.

Theo chủ một cửa hàng vàng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), nhu cầu mua vàng tăng khá mạnh những ngày qua, trong khi thị trường vắng bóng người bán khiến nguồn cung khan hiếm. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng thay vì mức 1 triệu đồng/lượng như những ngày trước đó. Điều này phản ánh thực tế các cửa hàng vàng sẵn sàng mua vào vàng SJC giá cao nhưng không nhiều người bán.

Còn theo ý kiến của chuyên gia vàng, nguồn vàng SJC đã bị khan hiếm trong thời gian qua do nguồn cung vàng trên thị trường chủ yếu nhờ mua đi bán lại. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, khi giá vàng SJC xuống thấp và nhu cầu đối với loại vàng này cao hơn, tình trạng khan hiếm càng tăng lên. Diễn biến trên thị trường vàng trong nước khiến giá vàng thế giới dù giảm sốc trong phiên giao dịch ngày 6/7 nhưng giá vàng SJC không giảm tương xứng.

Biểu đồ trên cho thấy giá vàng tại Việt Nam gần như cách ly hoàn toàn với giá vàng thế giới
Biểu đồ trên cho thấy giá vàng tại Việt Nam chênh cao so với giá vàng thế giới

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC nên nguồn cung từ kênh này không có. Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường.

Các chuyên gia đều nhận định rằng với nhu cầu mua vàng SJC, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K thị trường đang tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái can thiệp, xu hướng gom USD nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang "ngóng" quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế. Bởi theo nhiều chuyên gia vàng, Nghị định 24 ra đời vào năm 2012 đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Thị trường vàng trong nước đang "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là giá vàng SJC quá cao so với vàng thế giới, nói cách khác là thị trường trong nước không có sự liên thông với thị trường thế giới.

Vàng thế giới dưới mốc 1.800 USD/ounce

Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng nhẹ trở lại so với cuối ngày hôm qua, lên 1.741 USD/ounce. Tuy nhiên so với 24 giờ trước đó, kim loại quý vẫn giảm 30 USD/ounce. Quy đổi tương đương, giá vàng thế giới đang ở mức 49,35 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Đêm qua, giá vàng thế giới từ 1.770 USD/ounce lao xuống 1.730 USD/ounce - mức thấp nhất trong gần 9 tháng qua. Tính đến 11 giờ sáng nay, ngày 7/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.744 USD/ounce, giảm 26 USD/ounce so với cùng thời điểm ngày 6/7.

Giá vàng giảm sâu nhưng vẫn chênh lệch kỷ lục gần 19 triệu đồng

Giá vàng lao một mạch xuống đáy 9 tháng khiến nhà đầu tư hoảng loạn

Theo phân tích, giá vàng thế giới lao dốc trong bối cảnh đồng USD không ngừng tăng cao, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục tăng vượt mức 107, mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Thêm vào đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt tay vào một lộ trình thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, giới đầu tư đổ xô vào đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.

Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6/2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy, tổ chức này gần như chắc chắn tăng thêm lãi suất 0,75 điểm % vào giữa tháng 7/2022. Từ đó, giới đầu tư tài chính tiếp tục dồn vốn vào "đồng bạc xanh", giúp USD tăng giá nhiều hơn nữa so với các đồng tiền khác.

Giá dầu thô giảm cũng gây áp lực không nhỏ lên thị trường vàng. Theo đó, giá dầu thô đã giảm tiếp 2% xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tuần do lo ngại suy thoái kinh tế. Giá dầu thô liên tiếp giảm và trượt mức 100 USD/thùng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục suy yếu bởi những lo lắng về suy thoái và lạm phát vẫn đang ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Về ngắn hạn, vàng vẫn chịu áp lực từ hoạt động bán khống khi xu hướng giảm trở nên rõ hơn sau cú giảm sốc 2 phiên qua. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy có dấu hiệu tăng. Nhiều tay mua lớn trên thị trường, trong đó có ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đã vào cuộc.

Một thống kê của Hội đồng Vàng thế giới công bố mới đây cho thấy trong quý I/2022, nhu cầu vàng trên toàn cầu đã tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Việt Nam, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ, từ mức 18,6 tấn trong quý IV/2021 lên 19,6 tấn trong quý I/2022. Cũng theo Hội đồng Vàng thế giới, năm 2019 nhu cầu về vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đạt 56,4 tấn, đứng thứ bảy trên thế giới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết