Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch Cửa Lò

KTNT Đã từ lâu, Cửa Lò (Nghệ An) được đánh giá là “thiên đường biển” đẹp nhất vùng Bắc Trung bộ.

Dọc bờ biển có hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn phong phú đa dạng, sang trọng, dáng dấp của đô thị du lịch biển rất sầm uất, có thể chứa được hơn 22.000 du khách lưu trú cùng một thời điểm.

001.jpg
Cảnh quan khu du lịch Cửa Lò.

 

Phía Bắc có bãi đá và độ nước sâu trong xanh, gần cảng Cửa Lò, có đảo Lan Châu, phía trước là đảo Hòn Ngư, bãi biển dài cát trắng thoai thoải đến tận Cửa Hội hơn 10km, biển xanh trong hiền hòa, tạo nên vẻ đẹp thanh bình rất thiên nhiên. Phía Nam là nơi hạ lưu giữa sông La đổ vào sông Lam ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển lớn với hàng triệu m3 nước ngọt mỗi ngày, chính vì thế, nước biển có phần nhạt hơn.

Vùng đất này được xem là đặc sản “gió Lào và cát trắng”, tạo cho con người cảm giác tận hưởng đặc trưng rất riêng khi đến Cửa Lò, mà không nơi nào có được. Minh chứng cho thấy, lượng khách du lịch về nơi đây ngày càng đông hơn, nhộn nhịp hơn, là cơ hội rất lớn để Cửa Lò đẩy mạnh phát triển du lịch biển.

Xây dựng cơ chế riêng và bộ máy quản lý chuyên nghiệp

Cửa Lò luôn được các cấp, các ngành liên quan tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò đặc biệt quan tâm, luôn xác định lĩnh vực dịch vụ du lịch, là nguồn thu ngân sách cơ bản trong hoạt động của địa phương, để nâng cao thu nhập thì phải nâng cao tính đồng bộ về mọi mặt.

Chính vì thế, ngày 14/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, gồm 3 chính sách đặc thù:

Thứ nhất: Tăng thêm nguồn ngân sách bằng cách, đối với các dự án bất động sản trên địa bàn thị xã, nhưng không xác định để đầu tư công trình cụ thể, ngân sách thu về được điều tiết tỉnh 50%; ngân sách thị xã 40% và ngân sách phường 10%. Tiền sử dụng đất từ đấu giá, chuyển mục đích, giao đất thì ngân sách thị xã 90% và ngân sách phường là 10%.

Thứ hai: Chính sách tỉnh hỗ trợ cho thị xã Cửa Lò là 3.000 tấn xi măng PCB30/năm để cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư kiểu mẫu.

Thứ ba: Chính sách hỗ trợ sự nghiệp, cơ sở hạ tầng, môi trường và hỗ trợ khác 100 tỷ đồng/năm, để thực hiện công tác cứu hộ, cấp cứu biển, lễ hội du lịch, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ,...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Cửa Lò có 47 dự án thuộc danh mục đầu tư, ưu tiên như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bình Minh, mở rộng lòng đường và xây dựng vỉa hè đường Nguyễn Sinh Cung, đoạn từ đường dọc số 3 đến Quốc lộ 46, hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải trên địa bàn thị xã…

Đặc biệt, quyết định di dời 220 ki ốt ven biển, để cải tạo lại không gian đô thị, là những dự án trọng điểm, cần làm gấp, nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng ngày một khang trang và văn minh hơn, điều đó cho thấy rằng các cấp các ngành ở Nghệ An rất quan tâm để phát triển Cửa Lò, xứng tầm hơn và nổi trội hơn.

Bộ máy chính quyền các cấp quản lý cũng là vấn đề then chốt, dẫu biết rằng từ năm 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch covid-19, ngành du lịch trong cả nước gần như đóng băng, trong đó có Cửa Lò. Vì thế, khi ngành du lịch hoạt động trở lại, sự nỗ lực của bộ máy quản lý nơi đây có được sự vận hành trơn tru, thường xuyên, nhanh nhạy, để Cửa Lò được hồi phục và tăng trưởng nhanh là, một tín hiệu rất tốt.

Tuy nhiên, để Cửa Lò có sự bứt phá, thì trong cách nghĩ, cách làm cũng cần có những đột phá nhất định, song song với nâng cấp cơ sở hạ tầng, thì ngành dịch vụ phải lấy du khách làm trung tâm, xem sự hài lòng của du khách làm kim chỉ nam cho hành động. Nghĩa là, khi du khách về đây nghỉ dưỡng, thì địa phương phải đáp ứng được các dịch vụ như: Dịch vụ nghỉ ngơi phải sang trọng, luôn ngăn nắp sạch sẽ, giá cả hợp lý, có tinh thần cầu thị trong phục vụ và chu đáo, làm cho du khách cảm thấy an toàn khi đến đây.

Để làm được điều đó, có đội ngũ quản lý chuyên môn tinh nhuệ, thường xuyên giám sát, đánh giá rồi đưa lên app, dùng công nghệ 4.0 để điều tiết và phân bổ hợp lý, để khách có quyền lựa chọn, thuận tiện, đúng với yêu cầu, tuyên truyền quảng bá, tạo thói quen cho khách hàng vào tìm kiếm qua mạng để đặt phòng, để Cửa Lò luôn phục vụ tốt nhất.

Dịch vụ ăn uống, phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phải chăng được niêm yết minh bạch, công khai, dưới sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý chuyên môn; dẹp các loại quán cóc, quán tạm nằm sai quy định, lấn chiếm vỉa hè; xử lý nghiêm tình trạng chặt chém về giá cả, bán hàng rong chèo néo khách, làm khách cảm thấy phiền lòng và khó chịu, thiếu văn minh lịch sự.

Kết nối các dịch vụ tại chỗ

Khi đã có chỗ nghỉ, chỗ ăn thì phải có chỗ để chơi, phải đa dạng các loại hình dịch vụ tại chỗ, phù hợp với nhiều đối tượng từ già đến trẻ. Nhiều du khách ở nơi xa về đặt phòng nghỉ cả tuần, ăn xong rồi tắm, tắm xong rồi ăn, về khách sạn đưa điện thoại ra lướt Facebook, zalo,… thật là nhàm chán. Nhưng lại là cách mà nhiều du khách đang lựa chọn khi đi nghỉ dưỡng.

 

002.jpg

Mùa hè đến, bãi biển Cửa Lò luôn thu hút rất nhiều khách du lịch.

 

Trao đổi vấn đề này, chị Đoàn Hương một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Hè năm nay, gia đình tôi thu xếp về Cửa Lò nghỉ dưỡng một tuần, ở đây mọi thứ cũng khá hài lòng, được hai hôm rồi, mẹ con cứ ăn xong lại nằm trong khách sạn dùng điện thoại, thằng bé nó không chịu cứ đòi đi chơi, nên mình check-in tìm địa điểm trong tỉnh để đi chơi, chiều lại quay về Cửa Lò”.

Có nghĩa, dịch vụ có phần chưa rõ nét, hoặc là công tác làm truyền thông vẫn chưa cao, khách hàng chưa biết nhiều về dịch vụ giải trí. Cửa Lò xưa nay vẫn có nhiều dịch vụ liên quan rất tốt như: Quảng trường Bình Minh thoáng đãng, phục vụ cho đi dạo check-in, đi thuyền ra đảo Ngư giữa làn nước biển xanh trong thăm viếng lễ chùa, câu mực nháy vào ban đêm bằng tuyền thúng; thăm đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí, đền Vạn Lộc để cầu lộc, cầu bình an, cầu may; ngắm bình minh lên trên cầu Cửa Hội để thấy được cảnh đẹp thơ mộng và sảng khoái, ngắm hoa cúc biển - một đặc trưng riêng của Cửa Lò rất thiên nhiên,...

Du khách có thể đến chợ hải sản, bến cá Nghi Thủy, Nghi Hải để trải nghiệm và tiếp xúc với văn hóa dân bản địa, chứng kiến niền vui của ngư dân sau những lần xa khơi.

Tham quan và trải nghiệm các sản phẩm đặc trưng về OCOP ở các quầy hàng giới thiệu sản phẩm như: nước mắm Cửa Hội, cá thu, tôm nõn, mực khô… muôn hình, muôn vẻ với tân trạng tò mò, khám phá những đặc trưng thú vị của vùng biển này.

Ta cũng cảm nhận rằng, sản phẩm du lịch phục vụ chủ yếu là người lớn, còn thiếu dịch vụ thu hút trẻ con, chính trẻ con là một phần trung tâm thu hút khách du lịch. Vì thế, cần kêu gọi, tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi để thu hút các nhà đâu tư lớn, nhằm có thêm dịch vụ ngoài trời như: Tàu điện, thác nước, cáp treo, các trò chơi mạo hiểm tạo cảm giác lạ.

Trong tháng 7/2022, Cửa Lò đã tổ chức Lễ hội khinh khí cầu, Lễ hội hoa đăng bên dòng Lam Giang đã thu hút rất nhiều du khách. Với hiệu ứng tốt như vậy, thời gian tới, nên thường xuyên tổ chức các lễ hội, để thu hút khách du lịch về đây quanh năm.

Bên cạnh đó, nên thành lập trung tâm điều phối dịch vụ du lịch thông minh, chuyên nghiệp. Lập website quảng bá rộng rãi, aap đặt các dịch vụ gọi thức ăn, gọi xe, tránh việc chèo kéo khách, thiếu văn minh lịch sự.

Kết nối với các địa phương

Du lịch ở Nghệ An rất phong phú và đa dạng, ngoài du lịch biển thì có du lịch tâm linh như: Đền ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh, Hưng Nguyên), đền Quang Trung (TP. Vinh), đền thờ An Dương Vương (Diễn Châu), đền Chín Gian (Quế Phong), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Cờn (TX. Hoàng Mai), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), Làng Sen quê Bác,…

Du lịch cảnh quan kết hợp với du lịch cộng đồng homestay, như lên bản Khe Rạn đi đập Phả Lài (Con Cuông), rừng săng lẻ (Tương Dương), lên cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn), bản cộng đồng Hoa Tiến (Châu Tiến, Quỳ Châu),  bản Cọ Muồng và thác Xao Va (Quế Phong),…

Du lịch canh nông như: Đồi hoa xuân Thái Hòa, Khu sinh thái Hòn Mát (Nghĩa Đàn), Khu du lịch Eo Gió (Nam Đàn),…

Và bước đầu đã thành lập Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ TNT, có trụ sở đặt tại thị xã Cửa Lò.

Ông Đặng Trọng Tấn, cán bộ Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ TNT cho biết: “Hiện nay, du lịch ở miền Tây xứ Nghệ rất tiềm năng, lại phù hợp với chủ trương khuyến khích của tỉnh Nghệ An, trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy được giá trị của nó, nên quyết định thành lập trung tâm, để kết nối với du khách khi về Cửa Lò có nhu cầu được trải nghiệm, bước đầu đã có những thành công nhất định”.

Như vậy, Cửa Lò cơ bản đã định hình được các loại hình dịch vụ đồng bộ. Thời gian tới, cần có tính chuyên nghiệp hơn nữa, để đáp ứng tốt hơn, đầy đủ hơn về nhu cầu của du khách khi về nơi đây.

Rất mong các cấp, các ngành liên quan và người dân Nghệ An luôn đồng hành để Cửa Lò ngày càng phát triển, tạo hệ sinh thái về du lịch, xứng tầm với đô thị du lịch biển đẹp nhất Bắc Trung bộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật