Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành gỗ đối mặt 'cơn khát' nguyên liệu do xung đột Nga - Ukraine

Ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, vì vậy xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động rất lớn tới hoạt động xuất khẩu gỗ trong thời gian tới. 

Sáng 9/3, các Hiệp hội Gỗ như VIFORES, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và Tổ chức Forest Trends công bố Báo cáo "Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai".

xuat-khau-go-3-9317-1646801568.jpg

Ngành gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu với các quốc gia khác. 

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends - Đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn.

Theo ông Phúc, nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam nhỏ. Suy giảm hoặc mất hẳn nguồn này trong tương lai sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể tới nguồn cung gỗ cho Việt Nam. Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Có giảm hoặc mất thị trường này trong tương lai cũng sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho ngành.

Tuy nhiên, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng. Ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn.

Một số tác động được nhóm nghiên cứu chỉ ra là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.

Các sức ép đối với các doanh nghiệp sử dụng gỗ của Nga nói riêng và ngành gỗ Việt Nam nói chung là nguyên nhân hình thành các rủi ro mới về mặt môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới đối với các loại gỗ thay thế cho các loại trước đó được nhập từ Nga. Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đặc biệt từ Trung Quốc về việc tiếp cận với nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.

Vì vậy, ông Phúc cho rằng ngành gỗ Việt cần luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó đúng thời điểm, nhất là Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng.

Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Chiến lược bao gồm việc đa dạng hóa các loài gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loại sử dụng trong chế biến.

Nhật Linh 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết