Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao giá đất vẫn 'nhảy múa' bất chấp các lệnh siết chặt quản lý?

Sau một năm 2021 được giới chuyên gia đánh giá là năm “điên rồ” của giá đất, các cơn sốt cục bộ đang tiếp tục lan rộng trong những tháng đầu năm 2022. Câu hỏi đặt ra là sau rất nhiều lời cảnh báo, các cơ quan chức năng, địa phương đã tăng cường quản lý, vì sao tình trạng này vẫn diễn ra?

Về lý do khách quan, theo giới chuyên gia, là bởi nhu cầu về đất ở của người dân vẫn liên tục gia tăng. Đơn cử như ở TP.HCM, ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, lượt tìm kiếm trực tuyến về đất nền ở các khu vực TP.Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè đã tăng lên chóng mặt.

Sốt đất lan trên diện rộng

Cụ thể, theo thống kê từ chuyên trang Chợ Tốt Nhà, huyện Củ Chi có lượng tìm kiếm thông tin đất nền đứng đầu ở TP.HCM từ tháng 2/2022 đến nay, tăng 150 – 210% so với tháng trước Tết. Các khu vực huyện Nhà Bè, TP.Thủ Đức cũng liên tục chứng kiến lượng người quan tâm đất nền tăng lên.

Chia sẻ với Vnbusiness, anh Vũ Mạnh Tường, môi giới nhà đất ở Củ Chi, cho hay kịch bản chung ở hầu hết các khu vực có lượng người tìm kiếm đất nền gia tăng là nguồn cung giảm mạnh so với trước Tết, bởi nhiều lô đã được thanh khoản xong và hiện chưa có thêm nguồn cung mới.

“Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu đất ở, đầu tư tăng mạnh khiến giá đất nền tăng, đó là quy luật tất yếu, không có quy định nào có thể cản được. Giá đất ở Củ Chi hiện dao động ở mức 17 – 19 triệu đồng/m2, Nhà Bè ở mức 21 – 23 triệu đồng/m2, Thủ Đức là trên 23,5 triệu đồng/m2”, anh Tường nói.

Sot-dat-ao-2022-7258-1646293980.jpg

Các đợt sốt đất vẫn diễn ra và ngày càng lan rộng kể từ đầu năm 2022 khiến thị trường bất động sản bất ổn.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan xuất phát từ nhu cầu đất ở tăng, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc giá đất nền tiếp tục “nhảy múa” trong những tháng đầu năm 2022 là do “đội lái” dẫn dắt thị trường, “cò” nhà đất bán trao tay, tạo sốt ảo.

Trường hợp điển hình nhất những ngày qua là cơn sốt đất tại nhiều khu vực nông thôn tỉnh Hà Tĩnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên... Dưới bàn tay thao túng của môi giới, hoạt động mua qua, bán lại, giá đất đang tăng lên theo chiều dựng đứng khiến người dân địa phương không khỏi bị “choáng”.

Chị Hoàng Thị Hợp, chủ quán tạp hóa gần đường liên xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Trong nửa tháng qua, đã có hàng trăm khách lạ ghé quán nhà tôi uống nước, hầu hết đều là người đến tìm mua đất. Giá đang tăng rất nhanh, miếng đất hơn 100m2 trước đây chỉ trên 1 tỷ, hiện đã lên gấp đôi”.

Vùng đất nóng nhất trên địa bàn xã Việt Tiến những ngày qua là khu vực quanh Quốc lộ 15B, cách trung tâm hành chính huyện gần 5 km. Trước Tết, các lô đất mặt đường có diện tích 200m2 thường có giá 1,2 - 1,5 tỷ đồng, nhưng sau thời gian sốt, nay đã tăng lên 2,5 - 3 tỷ đồng.

Cần ngăn chặn "thổi giá ảo"

Không chỉ ở Hà Tĩnh, các cơn sốt đất cục bộ đang lan rộng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Điển hình như tại Tây Nguyên, các “đội lái” vẫn liên tục tung tin quy hoạch, triển khai các giao dịch ảo, tạo sốt giá tại các khu đất có vị trí đẹp nhằm bán trao tay kiếm lợi.

Đơn cử, tại Gia Lai, khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa… những ngày qua việc mua bán đất đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Các lô đất đang được bán với giá trung bình 400-600 triệu đồng.

Hay như tại Quảng Trị, trước tình trạng sốt đất, thổi giá tăng ảo diễn ra ngày càng nhiều tại một số khu vực, UBND tỉnh đã phải “phát lệnh” kiểm soát. Cụ thể, ngày 2/3, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản về việc đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.

Theo giới chuyên gia, kể từ cuối năm 2021, các cơ quan ban ngành đã vào cuộc rất sát sao nhằm kiểm soát tình trạng sốt đất, tuy nhiên việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường phần lớn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do.

“Một bộ phận không nhỏ người có tiền đi về các tỉnh tiềm năng thu gom đất, sau đó liên thủ với “cò” tung tin thất thiệt, tạo sốt ảo để ăn chênh lệch. Tình trạng này diễn ra rất lâu rồi, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thiết thực để ngăn chặn”, một chuyên gia chia sẻ.

Thực tế, để tránh tình trạng tăng giá đột biến, từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt đề xuất, kiến nghị để ngăn chặn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, cần phải có các biện pháp bền vững để tránh tình trạng lặp đi lặp lại.

Nhiều dự báo cho rằng sốt đất có thể tiếp tục tăng lên trong quý II/2022, vì vậy những giải pháp ngăn chặn đầu cơ, thổi giá, tạo sốt ảo ngay từ lúc này là đặc biệt cần thiết, nhằm ổn định thị trường.

Với các nhà đầu tư, theo các chuyên gia, cần chú ý 3 yếu tố để tạo nên sức hút của một lô đất là mục tiêu phát triển của địa phương, sự gia tăng của mật độ dân cư và tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch sử dụng đất của chính quyền. Để đảm bảo an toàn, các nhà đầu tư cần nhắm đến những khu vực tiềm năng, chọn ra những nơi không bị thổi bong bóng giá ảo, hạn chế những lô bán sang tay quá nhiều lần, tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới, “cò” đất.

Hưng Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật