Người bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tăng vọt, làm sao biết có nợ thuế và bị hoãn xuất cảnh?
Nợ thuế liên tục tăng cao ngay thời điểm cuối năm khiến ngành thuế phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế trên 90 ngày.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 9/2024, cơ quan Thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số thuế nợ 50.665 tỷ đồng, nhưng mới thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
So với con số công bố tháng trước (17.952 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng) thì chỉ trong vòng 1 tháng đã có thêm 5.795 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ tăng thêm là 20.227 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, Hà Nội là địa phương dẫn đầu số lượng người bị hoãn xuất cảnh với 4.672 người là đại diện doanh nghiệp, số tiền thuế nợ là 5.901 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, có 2.766 trường hợp cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cấm xuất cảnh; ngành thuế đã công khai thông tin người nợ thuế đối với 1.196 người với tổng số thuế nợ là 19.656 tỷ đồng.
Ứng dụng eTax trên điện thoại di động. |
Tại họp báo tuần trước, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định Luật không quy định khoản nợ thuế nhỏ hay lớn, do đó người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể giá trị của khoản này.
"Đây là các biện pháp được Nhà nước trang bị, yêu cầu cơ quan thuế thực hiện để đảm bảo các khoản thu ngân sách. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp cưỡng chế với các doanh nghiệp nợ thuế", ông Minh nói. Song, ông cũng chia sẻ, cơ quan thuế cân nhắc các biện pháp cưỡng chế phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Những tháng gần đây, liên tục nhiều tổng giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì công ty đang nợ thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp "tên tuổi"; có trường hợp sau khi bị nêu tên đã nộp thuế và được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh.
Tính đến ngày 14/8, sau khi ban hành các quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thu được 1.341 tỷ đồng nợ thuế từ 2.116 người.
Trước tình hình hàng loạt người dân bất ngờ được thông báo nằm trong danh sách bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Các trường hợp nợ thuế như thế nào sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh? Cá nhân nợ thuế vài triệu đồng có bị tạm hoãn xuất cảnh không? Làm thế nào để người nộp thuế biết mình có nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh hay không?
Trả lời VnBusiness, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định Luật Quản lý thuế và Nghị định 126 năm 2020 quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, thì những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế.
Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đáng lưu ý, trước khi gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan thuế phải rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân đó, đồng thời phải gửi thông báo cho người nộp thuế biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
"Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, việc bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp hiệu quả, nhắc nhở người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là cảnh báo cho các đối tượng nợ thuế khác phải nộp thuế đầy đủ để không bị tạm hoãn xuất cảnh", vị này khẳng định.
Riêng các thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh, quyết định cưỡng chế…, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi đến người nộp thuế theo địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng gửi các thông báo này bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử.
"Để kịp thời nhận được các thông tin về nợ thuế, thông tin tạm hoãn xuất cảnh…, người nộp thuế cần phải cung cấp chính xác các thông tin về địa chỉ nhận thông báo và cập nhật kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi gửi cho cơ quan thuế", đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ.
Đồng thời, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 4216 gửi các cục thuế, trong đó yêu cầu cơ quan thuế phải ban hành thông báo nợ thuế gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (eTax) với các khoản nợ quá 30 ngày. Nếu người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi thông báo qua email và qua ứng dụng eTax Mobile.
Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho người nộp thuế biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.
Trường hợp nợ thuế trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế, cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.
Để nắm được thông tin về việc có nợ thuế hay không, Tổng cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế nên chủ động kiểm tra tình trạng nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ứng dụng eTax Mobile, đồng thời nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế nếu phát hiện có nợ.
Thanh Hoa