Tháo gỡ bất cập để thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại vào các khu công nghiệp
Sau tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư rõ ràng đến Việt Nam hiện đã tăng lên rất nhiều. Điều quan trọng là cần sớm tháo gỡ những bất cập, khó khăn tồn đọng trong khâu chính sách, giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển doanh nghiệp thuộc CTCP Long Hậu - chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Long Hậu ở tỉnh Long An cho biết, cơ chế để các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư mở nhà máy trong các KCN hiện cơ bản đã thông thoáng.
Loay hoay với chính sách, lo thiếu thông tin
Tuy nhiên, vấn đề là làm sao giúp cho các DN biết được khoản đầu tư hay ý định đầu tư của mình sẽ được áp dụng những chính sách như thế nào ngay từ lúc đầu.
“Việc loay hoay tìm kiếm thông tin như vậy, đặc biệt là đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay rất khó khăn, không có một cơ quan chính thống nào trả lời cho DN biết rõ ràng trước khi họ ra quyết định đầu tư”, ông Hiếu nói.
Để tiếp tục thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI đòi hỏi cần cải thiện một số nhược điểm ở các khu công nghiệp và tháo gỡ các bất cập ở khâu chính sách. |
Trao đổi với VnBusiness bên lề hội thảo tại Tp.HCM ngày 9/6 để bàn về lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN, khu chế xuất, Giám đốc phát triển DN của CTCP Long Hậu nhấn mạnh: Bất cập nêu trên buộc nhà đầu tư phải tự đi thực hiện và tự ra quyết định về sử dụng chi phí trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vấn đề này nếu được cải thiện sẽ giúp Việt Nam có những khoản đầu tư lớn hơn, có chất lượng hơn đến với các KCN.
Cũng theo quan sát của ông Hiếu, sau các tác động của đại dịch Covid-19, đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu mở nhà máy tại Việt Nam đang có sự khác biệt về tính chất nghiêm túc trong khâu chuẩn bị khoản đầu tư của mình.
“Tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch đầu tư rõ ràng đến Việt Nam hiện đã tăng lên rất nhiều. Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta đón nhận được những nhà đầu tư này”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Xét về mặt chuẩn bị sẵn sàng để đón những nhà đầu tư FDI mới như vậy đòi hỏi các địa phương nên công bố thông tin rõ ràng hơn. Nhất là sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý có liên quan trong việc thẩm định dự án, cũng như kịp thời giải đáp các thắc mắc về pháp lý cho nhà đầu tư một cách bài bản hơn. Qua đó sẽ giúp cho các nhà đầu tư FDI tự tin khi ra các quyết định của mình.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính tới 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Dương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trên 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Vào ngày 9/6, tỉnh này cũng đã thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 KCN Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3) tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập thuộc huyện Bắc Tân Uyên với quy mô lập quy hoạch 1.000ha; quy mô lao động 43.000 - 45.000 người. Đây sẽ là KCN sản xuất công nghiệp tập trung đa ngành, ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao.
Nhược điểm cần cải thiện
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn phát sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN trong nước và các nhà đầu tư FDI trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh tại KCN VSIP 3 cũng như các KCN trong tỉnh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Tp.HCM, Hà Nội. Trong đó, Tp.HCM dẫn đầu về số dự án mới (40,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,69%, đứng sau Hà Nội với gần 17%).
Còn theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Các KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD.
Bên cạnh những lợi thế, ưu điểm của các KCN, giới chuyên gia chỉ rõ một số nhược điểm rất cần tiếp tục cải thiện, đổi mới. Đặc biệt là các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Châu Âu, Châu Mỹ.
Ngoài ra, theo Gs.Ts Đặng Hùng Võ, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm, nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không những vậy, ông Võ cho rằng “chất thị trường” trong phát triển các KCN Việt Nam còn ít và thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN.
Để các KCN của Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới, giới chuyên gia khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý có liên quan từ cấp Trung ương cho đến địa phương nên sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn tồn đọng trong các chính sách thực hiện kêu gọi đầu tư trước đây.
Qua đó sẽ giúp cho các nhà đầu tư FDI thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách đầu tư, cũng như hướng dẫn lộ trình để họ dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các KCN, khu chế xuất.
Thế Vinh