Thị trường chứng khoán tiếp đà bứt phá mạnh mẽ trong tháng 8?
Ngay từ tháng đầu tiên của quý III/2022, thị trường đã ghi nhận thành quả khi chỉ số chung đã giành lại ngưỡng cản “siêu cứng” 1.200 điểm, mang lại kỳ vọng tích cực cho xu hướng của VN-Index trong thời gian tới.
Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2022, VN-Index tăng lên mức 1.206,3 điểm, tương ứng tăng 0,73% so với thời điểm cuối tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index giảm 19,5% so với thời điểm cuối năm 2021.
Dứt chuỗi giảm 3 tháng liên tiếp
Đáng chú ý, tháng 7 vừa qua cũng là tháng tăng điểm đầu tiên, dứt chuỗi 3 tháng giảm điểm liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân đạt 13.658 tỷ đồng/phiên.
Thị trường chứng khoán trong tháng 8 khó có thể bứt phá quá xa vì chưa nhìn thấy câu chuyện hỗ trợ đủ lớn (Ảnh: Int) |
Nhìn chung, việc dòng tiền có xu hướng trở lại và luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn được cho là động lực chủ yếu thúc đẩy chỉ số VN-Index giành lại sắc xanh trước ngưỡng cản quan trọng 1.200 điểm.
Đồng thời, những thông tin tiêu cực hay lo ngại nền kinh tế thế giới và đứt gãy chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể; kinh tế vĩ mô, nhất là việc chỉ số GDP quý II/2022 của Việt Nam tăng trưởng 7,7%, vượt xa mức dự báo trung bình từ các tổ chức nghiên cứu trên thế giới; lạm phát được giữ ở con số ổn định, kết quả kinh doanh quý II và bán niên được công bố với nhiều thông tin tích cực cũng khiến tâm lý nhà đầu tư được nhẹ đi phần nào.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù những số liệu về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khá tích cực, nhưng dường như điều này vẫn chưa tạo được sự đột phá cho giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, thanh khoản toàn thị trường ghi nhận sự khởi sắc, song tính riêng trên sàn HoSE, thanh khoản khớp lệnh trong tháng 7 chỉ đạt 10.300 tỷ đồng/phiên - mức thấp nhất kể từ đầu năm, tương đương giai đoạn tháng 11/2020. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn có phần thận trọng.
Ngoài ra, việc khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tháng 7 hơn 1.025 tỷ đồng kéo theo lượng giá trị mua ròng từ đầu năm 2022 tới nay bị giảm xuống còn hơn 2.831 tỷ đồng là điểm trừ khá lớn. Trong đó, chứng chỉ quỹ của Diamond ETF cũng là tâm điểm khi bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 522 tỷ đồng.
Câu hỏi được đặt ra là, bước sang tháng 8, sau đà hồi phục của tháng 7, thị trường sẽ diễn biến ra sao, khi mà tháng 8 dương lịch thường trùng với tháng 7 âm lịch của Việt Nam. Bởi đây là tháng mà theo quan niệm dân gian thường cẩn trọng trong mọi việc, nhất là việc đầu tư, vô hình trung vẫn sẽ có khả năng tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư.
VN-Index chưa thể bứt phá quá xa
Theo thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index đã có diễn biến tăng, giảm xen kẽ trong các tháng 8 với 9 năm giảm điểm và 13 năm tăng điểm. Trong 6 năm gần nhất (2015-2021) thì có 4 năm chỉ số VN-Index tăng điểm. Những con số trên phần nào cho thấy tín hiệu tương đối tích cực về sự vận động của chỉ số chung.
Với tháng 8 năm nay, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, với kỳ vọng lạm phát sẽ sớm tạo đỉnh, lãi suất tăng chậm để giảm áp lực vào nền kinh tế, VN-Index có cơ hội phục hồi khá lớn trong tháng 8. Bởi thị trường tháng 7 chủ yếu sideway với thanh khoản "hụt hơi" trước nhiều yếu tố khi lạm phát, lãi suất.
Mặc dù vậy, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC) vẫn đánh giá thị trường chứng khoán trong tháng 8 khó có thể bứt phá quá xa vì chưa nhìn thấy câu chuyện hỗ trợ đủ lớn.
Theo lý giải của ông Huy, thị trường Việt Nam vẫn đang trong mùa kết quả kinh doanh tương đối tích cực với sự nổi bật của nhóm ngành ngân hàng. Tính đến hết tháng 7, các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh đã chiếm hơn 70% vốn hóa. Nhưng sang đến tháng 8, dấu ấn của mùa kết quả kinh doanh sẽ nhạt đi. Vì vậy, thị trường tháng 8 khả năng sẽ vận động tương tự như tháng 7.
Chuyên gia đến từ HSC cho rằng, hiện tại biên đi ngang có thể tiếp tục được duy trì với hỗ trợ là vùng đáy cũ 1.150-1.160 điểm và kháng cự là vùng 1.210-1.220 điểm. Nếu kháng cự phía trên bị phá vỡ, biên dao động của thị trường có thể được nới ra chút ít, tuy nhiên cách diễn biến - vận động khả năng sẽ tương tự tháng 7.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ cần thêm thời gian trong tháng 8 để hấp thụ hết lượng cung cổ phiếu trong vùng tranh chấp quan trọng này trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm.
Như vậy, nhà đầu tư nên có chiến lược ra sao?
Với quan điểm thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy với biên dao động dần được hình thành, các chuyên gia nhận định sẽ luôn có những cơ hội với những nhóm cổ phiếu cụ thể, có câu chuyện riêng và được phân hóa.
Bên cạnh đó, những thông tin xấu khả năng đã được thẩm thấu đáng kể vào thị trường và nhiều cơ hội sẽ mở ra trong ngắn hạn. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan và mặt bằng định giá thấp với P/E đang ở mức 13 lần là yếu tố kích thích dòng tiền quay trở lại tìm những cơ hội đầu tư mới. Đồng thời, khi việc tăng lãi suất được nới lỏng cũng sẽ góp phần kích thích dòng tiền quay trở lại.
Do đó, nhà đầu tư cần phải linh hoạt, chấp nhận một tỷ suất sinh lợi vừa phải và chốt lời chủ động khi đạt kỳ vọng. Mặt khác, cần cắt lỗ nhanh khi sai, tránh hiện tượng gồng lỗ để mất chi phí cơ hội hoặc thua lỗ sâu.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, có thể canh mua những nhóm cổ phiếu tốt để đón nhịp sóng ngắn hạn của thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, những nhà đầu tư bị kẹp hàng với số lượng lớn cũng nên tận dụng nhịp hồi ngắn hạn này để cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu.
Tuy nhiên, “tỷ trọng nắm giữ cố phiếu không nên vượt quá 30% tổng tài sản và nếu gia tăng tỷ trọng nên quan sát giải ngân từng phần”, ông Đỗ Bảo Ngọc, lưu ý.
Còn đối với nhà đầu tư dài hạn, nên theo sát diễn biến vĩ mô trong nước và quốc tế trong thời gian tới.
Hải Giang