Thị trường hàng hóa ngày 2/8: MXV-Index kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp
Lực bán bất ngờ áp đảo trên thị trường hàng hoá thế giới. Chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 2,38% xuống mức 2.604,62 điểm, cắt đứt chuỗi 6 ngày tăng liên tiếp.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kim loại là nhóm duy nhất kết phiên với mức điểm tăng lên so với phiên trước đó, nhờ lực mua đối với các mặt hàng kim loại quý. Trong khi đó, năng lượng và nông sản là hai nhóm dẫn dắt đà giảm trên thị trường, khi ghi nhận nhiều mặt hàng giảm gần 5%. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư hàng hóa trong nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức hơn 4.500 tỷ đồng trong phiên hôm qua và là mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Giá dầu lao dốc trước những dữ liệu sản xuất tiêu cực
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô lao dốc trong ngày hôm qua khi triển vọng tiêu thụ dầu trở nên tiêu cực hơn. Kết thúc phiên, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 trên sở NYMEX giảm 4,80% về 93,89 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu thô Brent trên sở ICE cũng giảm 3,8% xuống còn 100,03 USD/thùng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu chịu sức ép ngay từ phiên sáng khi mà chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 rơi xuống mức 49 điểm. Chỉ số PMI dưới mức 50 điểm thường phản ánh sự suy yếu của các hoạt động sản xuất, vốn là một mũi nhọn kinh tế của Trung Quốc. Số liệu này phản ánh rõ ràng những khó khăn mà nền kinh tế thứ hai toàn cầu phải đối mặt khi thực hiện các chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cũng đã công bố chỉ số PMI sản xuất của Mỹ giảm xuống 52,8 điểm. Tại khu vực đồng tiền chung Euro, chỉ số PMI sản xuất đã giảm xuống 49,8 trong tháng 7 so với mức 52,1 của tháng 6, và là lần đầu tiên xuống dưới mốc 50 kể từ tháng 6/2020. Loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực nêu trên đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại có thể kéo theo sự suy yếu trong nhu cầu, khiến cho sức ép bán được gia tăng trên thị trường và đẩy giá giảm mạnh hơn nữa trong phiên tối.
Những lo ngại về phía tiêu thụ cũng khiến cho các yếu tố về nguồn cung bị lu mờ và không thể hỗ trợ quá nhiều cho giá. Theo số liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô chiến lược (SPR) của nước này đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 469,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/1985.
Sức mua trên thị trường dầu thô cũng khá hạn chế, khi mà các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc sản lượng ở Libya hồi phục lên mức 1,2 triệu thùng, cùng với việc Liên minh Châu Âu thông qua một số sửa đổi trong các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể làm cho tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu sẽ giảm bớt.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đồng loạt giảm
Trên sở Chicago, các mặt hàng nông sản cũng đồng loạt sụt giảm trong ngày hôm qua, kết thúc chuỗi tăng liên tục trong tuần trước. Hợp đồng ngô tháng 12 đóng cửa giảm 1,65% và giá khô đậu tương giảm 4,6% nhờ các thông tin tốt hơn về thời tiết mùa vụ tại Mỹ. Điều đó đã giúp quá trình làm đầy hạt của ngô diễn ra thuận lợi hơn so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Marcos Montes cho biết, nước này sẽ bắt đầu xuất khẩu ngô sang Trung Quốc trong vòng 3 tháng tới. Hiện các thỏa thuận thương mại giữa hai nước đang được hoàn tất. Việc Brazil có thể xuất khẩu ngô sang Trung Quốc sớm hơn dự kiến đã gây sức ép cạnh tranh lên giá ngô của Mỹ.
Đối với lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022, giá cũng đóng cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ với mức giảm gần 2%. Dù diễn biến khá giằng co ở đầu phiên giao dịch, giá lúa mì đã quay đầu giảm mạnh, chủ yếu do thông tin tích cực về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen.
Theo Cơ quan quản lý cảng biển Ukraine, có 68 tàu vận tải đang neo đậu tại các cảng biển của nước này để chất hàng. Dự kiến các tàu này sẽ vận chuyển khoảng 800.000 tấn ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới. Điều này đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc khôi phục lại dòng chảy ngũ cốc trên Biển Đen và là yếu tố gây sức ép đến giá lúa mì.
Trên thị trường nội địa, giá heo hơi tiếp tục xu hướng hạ nhiệt khi giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/kg tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên, giá hiện vẫn đang neo ở mức tương đối cao, dao động trong khoảng 62.000 – 69.000 đồng/kg. Mặc dù có xu hướng giảm nhẹ từ hồi đầu tháng 5 đến nay, tuy nhiên ngành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn đối diện với nhiều áp lực khi phụ thuộc gần 70% nguồn cung từ nước ngoài. Do đó, giá heo nội địa nhiều khả năng vẫn khó có thể giảm sâu.
Thị trường hàng hóa nguyên liệu chưa có xu hướng rõ ràng
Sau các diễn biến trong ngày giao dịch đầu tuần, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đánh giá thị trường hàng hóa nguyên liệu vẫn chưa có xu hướng rõ ràng. Mặc dù tăng rất mạnh trong tuần trước, nhưng đà tăng chủ yếu dựa vào các thông tin trong ngắn hạn, khó có thể tạo ra một “siêu chu kỳ tăng giá” hàng hóa giống như những gì đã diễn ra trong quý I. Các thông tin xoay quanh Nga - Ukraine và cán cân cung cầu của các mặt hàng chủ chốt như năng lượng và nông sản hiện không tạo ra sự bất ngờ đối với thị trường. Vì thế, nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ bước vào giai đoạn đi ngang trong nửa đầu tháng 8.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, đây là giai đoạn quan trọng để chốt giá xuất khẩu và nhập khẩu trong năm. Đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đang nhập khẩu chậm hơn so với tiến độ kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ mức giá nhập khẩu cao trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, cũng như triển vọng tiêu thụ giảm sút do lo ngại lạm phát. Tuy nhiên, giá nông sản thế giới đã giảm khá nhiều sau khi bước vào quý III, trong khi giá gà và giá heo nội địa đều có sự khởi sắc. Đây sẽ là động lực để hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hồi phục trở lại trong thời gian tới.