Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu sản phẩm Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, song còn nhiều thách thức với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cơ hội đan xen cùng thách thức

Chia sẻ tại Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam”, diễn ra sáng ngày 26/11, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết: Những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2021 nền tảng này đạt 1.900 tỷ USD thì năm 2023 đã đạt 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 7.938 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình tới 26,2%/năm.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu sản phẩm Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số. Ảnh: TT

Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.

Đáng nói, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, qua khảo sát 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử có 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30%. Thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động xuất khẩu, như: Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản 40%, Trung Quốc 38%...

Thực tế thời gian qua, thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số: Trung bình số lượng nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%; số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.

Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp doanh nghiệp nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường; thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ; cũng như xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác.

Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc, ông Liu Liang - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc - đánh giá: Những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%. Việt Nam có một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ, điều này tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.

Chúng tôi nhận thấy, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Ví dụ: Thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng”, ông Liu Liang bày tỏ.

Bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít thách thức đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, đó là: Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như việc người mua hàng ở nước ngoài hoặc mua hàng trong nước thông qua kênh thương mại điện tử đối diện với vấn đề khiếu nại sản phẩm ra sao? có thể ngăn chặn được tình trạng trốn thuế hay không? hay là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài?

Cũng có nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc làm sao để giữ chi phí logistics thấp và giao hàng đúng hạn; khó khăn trong việc nắm quy định pháp luật của thị trường đích; rào cản ngôn ngữ…

Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán… Cộng với những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng… đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Cần xây dựng cho được hệ sinh thái hoàn chỉnh hơn

ông  Liu Liang -  Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc

Ông Liu Liang - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc - phát biểu

Từ thực tế triển khai tại Vân Nam, Trung Quốc, ông Liu Liang chia sẻ, để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh hơn.

Ông Liu Liang nêu ra ba khía cạnh, gồm: Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới logistics kho bãi, xây dựng thêm kho ngoại quan và trung tâm phân loại, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thông quan nhanh chóng; thông qua dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực hiện phân tích thị trường chính xác, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc; thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại điện tử hai nước tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử có tầm nhìn quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam - cho biết, một nền tảng thương mại điện tử hoạt động cần rất nhiều sàn. Để lên sàn kinh doanh được có nhiều vấn đề, như: Tiếp thị, quản lý giao hàng đảm bảo vượt trội… Với thương mại điện tử xuyên biên giới còn liên quan đến việc thích nghi văn hóa, pháp luật nước sở tại… cùng nhiều yêu cầu mà doanh nghiệp phải cố gắng mới có thể đáp ứng được.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số cũng đưa ra một số định hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian tới, đó là: Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới xanh, bền vững; tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh; kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới; ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới…

Tại hội nghị này, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và một số doanh nghiệp đã ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật