Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn ‘chừa đường’ cho doanh nghiệp bảo hiểm rót vốn vào mảng bất động sản

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã bày tỏ sự hoan nghênh Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nhất là việc Luật đã “chừa đường” cho doanh nghiệp bảo hiểm rót vốn vào mảng bất động sản thông qua việc được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 5/7 công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong các lĩnh vực doanh nghiệp (DN) bảo hiểm không được đầu tư có kinh doanh bất động sản vì đây là lĩnh vực rủi ro rất cao, nên việc quy định không được tham gia đầu tư là để đảm bảo DN có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. 

Đã tính đến mức độ rủi ro

HINH-3201-1657194380.jpg

Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn “chừa đường” cho DN bảo hiểm rót vốn vào mảng bất động sản thông qua việc mua cổ phiếu của DN bất động sản trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quy định như vậy để đảm bảo DN bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Còn về quy định của Luật cho phép DN bảo hiểm gián tiếp tham gia vào lĩnh vực bất động sản như DN bảo hiểm được tham gia mua chứng chỉ quỹ, chứng khoán…, ông Chi cho rằng đây là những phát sinh trong thực tế, đã được tính đến mức độ rủi ro.

Theo giới chuyên gia, rất cần thiết cho phép DN bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “đầu tư tài chính, đầu tư vốn” vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép DN bảo hiểm được đầu tư tài chính. 

Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng. 

Phía HoREA đã bày tỏ sự cảm ơn Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã lắng nghe và chấp thuận ý kiến đề xuất trước đó của Hiệp hội về việc cho phép các DN bảo hiểm đầu tư mảng bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Điều này nhằm đảm bảo sự phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra các mục tiêu, trong đó đến năm 2035 “nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DN bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn”; đến năm 2045 “nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DN bảo hiểm chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn” và đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các DN bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế”.

Chia sẻ bớt áp lực đối với các tổ chức tín dụng

Cụ thể, khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chỉnh sửa khoản 3 Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)”. Trước đây, tại khoản 3 Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” đã có đề xuất chưa hợp lý khi đề nghị quy định “DN bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản”.

HoREA tán thành quy định “DN bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản” là đúng đắn và cần thiết để đảm bảo sự phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đồng thời để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo HoREA, "Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” đã không hợp lý khi đề xuất “DN bảo hiểm không được phép thực hiện hoạt động đầu tư bất động sản” kể cả một số hoạt động đầu tư bất động sản có tính minh bạch, khá an toàn và ít rủi ro như mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Do vậy, Hiệp hội này đã có Văn bản số 37/2022/CV-HoREA ngày 31/5/2022 kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép DN bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để thực hiện một số hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tại khoản 3 Điều 99 quy định “3. DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây: a) Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng...”.

Với quy định trên đây, Quốc hội đã chấp thuận đề xuất của HoREA cho phép DN bảo hiểm được phép đầu tư mảng bất động sản trong trường hợp mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc mua chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng. 

Quy định này vừa giúp cho DN bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư lĩnh vực bất động sản trong một số trường hợp (có thêm lĩnh vực được phép đầu tư), vừa giúp cho thị trường bất động sản được bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư từ các DN bảo hiểm, vừa góp phần chia sẻ bớt áp lực đối với các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, HoREA đã kiến nghị xem xét lại việc sử dụng cụm từ “không được phép đi vay” tại điểm a khoản 3 Điều 142 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” đề xuất DN bảo hiểm không được phép “a) Đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào DN khác” do thiếu chặt chẽ vì có thể hiểu là DN bảo hiểm không đi vay mà sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của mình nhưng vẫn được đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào DN khác.

Cho nên, HoREA rất tán thành nội dung điểm a khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định DN bảo hiểm không được phép “a) Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng...” đã bỏ cụm từ “đi vay để đầu tư...”. 

                    Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết