VN-Index ‘sớm nắng, chiều mưa’ do đâu?
Thị trường chứng khoán biến động khó lường với áp lực bán tháo liên tục diễn ra trên diện rộng. Cùng với đó là thanh khoản vẫn ở mức “lẹt đẹt”, tất cả đều tạo thành xu hướng chung của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Dưới áp lực bán ra mạnh mẽ, chốt phiên ngày 17/6, VN-Index giảm 19,33 điểm (-1,56%), một lần nữa đánh mất mốc “siêu cứng” 1.200 điểm với 391 mã giảm, trong đó có 89 mã giảm sàn.
Lực cầu vẫn thấp
Trước đó, hòa cùng sắc xanh của thị trường tài chính toàn cầu sau quyết định của Fed, VN-Index đã ghi nhận phiên bứt phá (16/6) tăng 22,7 điểm, thậm chí có thời điểm còn tăng vọt tới 30 điểm và được đánh giá có xu hướng ngày càng mở rộng đà đi lên.
Theo quan sát, đây cũng không phải lần đầu VN-Index có diễn biến “trồi sụt thất thường” mà điều này khá thường xuyên, gây cản trở cho việc đầu tư của giới đầu cơ, ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc nhận định thị trường.
TTCK liên tục biến động thất thường gây khó khăn cho việc đầu tư. |
Cũng trong phiên 16/5, mặc dù độ rộng thị trường cơ bản nghiêng hoàn toàn về bên mua với sắc xanh áp đảo. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ tập trung nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và đây cũng là nhóm tạo lực kéo chính cho các chỉ số.
Cụ thể, đóng cửa, chỉ số Midcap tăng 1,23%, chỉ số Smallcap tăng 0,11%, trong khi đó chỉ số VN30-Index tăng tới 2,18%. Điều này cho thấy rõ ràng là blue-chips đang có sức mạnh vượt trội. Mặt khác, số lượng cổ phiếu tăng giá chung trên sàn HoSE là 298 mã, số giảm 154 mã, không quá áp đảo. Song trong nhóm VN30, chỉ có 2 mã giảm là VIC và SSI, MBB tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó có 3 mã chạm giá trần.
Một điểm đáng chú ý, thị trường vẫn không có lực cầu lớn. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ duy trì quanh mức 17.500 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 522 triệu đơn vị, giảm gần 16,7% so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm gần 11%.
Nhận định về phiên 16/5, các chuyên gia cho rằng, phiên tăng điểm mạnh này cho thấy việc dự báo tăng lãi suất trong ngắn hạn của Fed có thể đã phản ứng tiêu cực vào thị trường trước đó, do đó không có tác động quá xấu. Tuy nhiên việc dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như giá trị giao dịch ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng.
“Lực cầu xuất hiện bắt đáy ngay khi VN-Index quay về vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. Tuy nhiên, việc thanh khoản có phần sụt giảm và có áp lực bán vào phiên ATC cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dễ dao động khi thị trường biến động mạnh”, Chứng khoán VCBS nhận định.
Ngược thời gian, trong những phiên tăng mạnh trước đó, như phiên vượt 1.200, 1.500 điểm hay như những phiên kiểm định đáy mạnh mẽ, thị trường cũng ghi nhận điều tương tự xảy ra như một “thói quen”.
Nhà đầu tư chưa an tâm
Nhìn chung, mặc dù trong những phiên thị trường ghi nhận sự khởi sắc, song số lượng cổ phiếu giảm giá trên cả “tam sàn” vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, các chỉ số vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những cổ phiếu trụ và đặc biệt là thanh khoản của thị trường liên tục sụt giảm. Chính điều này đã khiến các nhà đầu tư khó có thể an tâm “xuống tiền”. Bởi lẽ họ chưa nhìn thấy cơ hội nên rút vốn về khiến giao dịch chứng khoán ngày càng sụt giảm, ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường chung.
Báo cáo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cho thấy, tháng 5, giá trị giao dịch bình quân xuống chỉ còn hơn 14.951 tỷ đồng, giảm 32,4% so tháng 4. Còn nếu tính chung trên cả 3 sàn những phiên vừa qua, giá trị giao dịch trung bình cũng ở mức 15.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên, giảm tương ứng 30% so tháng 4. Nếu so với năm 2021, con số trên còn thấp hơn rất nhiều, bởi thanh khoản trung bình mỗi phiên gần 22.000 tỷ đồng. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, thanh khoản nhiều phiên đạt 30.000 - 40.000 tỷ đồng, thậm chí có ngày tới hơn 56.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Lê Quang Minh, Trưởng bộ phận phân tích tại Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS Việt Nam), chỉ khi nào nhà đầu tư mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính (margin) cao thì dòng tiền mới mạnh trở lại. Còn giai đoạn hiện tại, khi thị trường có nhiều bất ổn, hiếm nhà đầu tư nào dám dùng margin mà chủ yếu dùng tiền “thịt” của mình để giao dịch, vì vậy thanh khoản thị trường khó có thể cao như trước. Ngoài ra, lý do lớn nhất là nhà đầu tư lớn hay tạm gọi là "cá mập" vẫn đang đứng ngoài, họ dùng tiền vào các việc khác, như trả nợ, bù đắp cho hoạt động kinh doanh... nên dù thị trường có tăng giảm điểm thì thanh khoản của thị trường cũng không mấy khởi sắc.
Thực tế, sau hàng loạt "sóng gió" liên quan tới thị trường chứng khoán (TTCK) như vụ ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bán chui cổ phiếu sau đó bị bắt và khởi tố vì thao túng cổ phiếu; ông Đỗ Thành Nhân của Tập đoàn Louis và đồng phạm cũng bị bắt với tội danh tương tự; rồi những vụ việc dính tới tập đoàn Tân Hoàng Minh; tin đồn bắt những lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, chứng khoán toàn cầu bất ổn, lạm phát... khiến cơ hội kiếm tiền trên TTCK ngày càng khó khăn, vì vậy dòng tiền “mất hút”, thanh khoản “tụt áp” là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, sau những vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng ngày càng mạnh tay xử lý những vi phạm đã chấn chỉnh lại TTCK. Theo đó, các "đội lái" cũng như "cá mập" cũng dè dặt hơn, không còn tung hoành như trước. Ngoài ra, việc các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng khiến dòng tiền đổ vào TTCK ngày càng ít. Bởi, từ trước đến nay, dòng vốn trên thị trường bất động sản thường có mối liên hệ chặt chẽ với TTCK, nên chỉ cần một bên gặp khó thì bên còn lại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại lượng nhà đầu tư mua vào cổ phiếu chủ yếu là từ các nhà đầu tư cá nhân. Khi họ nhận thấy giá cổ phiếu đã thấp, doanh nghiệp tốt nên đã mua vào để đầu tư dài hạn. Song, khi cổ phiếu lên cao nhiều người đã bán ra để kiếm lời nhưng lại không dám mua vào khi cổ phiếu giảm trở lại vì thấy rủi ro, dẫn đến thanh khoản ngày càng “tụt áp”.
“Tâm lý nhà đầu tư hiện nay, nhất là nhà đầu tư lớn vẫn còn chờ thị trường tạo đáy, họ chờ cơ hội rõ ràng hơn để có thể xuống tiền. Còn hiện tại, cả trong và ngoài nước đều đang có nhiều bất lợi cho nền kinh tế cũng như cho TTCK”, ông Hiển nói.
Hải Giang