Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng thương hiệu - chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm

Tôn vinh doanh nghiệp, đồng thời để động viên, khích lệ doanh nghiệp vươn lên, tiếp tục đạt được nhiều thành quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 20/4 hàng năm là “Ngày thương hiệu Việt Nam".

Nhiều hoạt động hưởng ứng ngày thương hiệu

Ngày thương hiệu Việt Nam và Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003) được xem là đầu mối quy tụ, khơi dậy sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó quảng bá, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.

Tập đoàn TH liên tục đạt "Thương hiệu quốc gia". Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng năm 2021, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục tăng 21,6% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên 388 tỷ USD. Theo đánh giá của Brand Finance - Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, kết quả này đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu. Kết quả này đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu đối với cộng đồng xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, giúp tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quảng bá các sản phẩm đạt THQG Việt Nam đã được Chính phủ công nhận, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 từ ngày 17 đến 24/4 trên phạm vi cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Chuỗi các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, quảng bá ngoài trời, treo pano, băng rôn chào mừng ngày Thương hiệu quốc gia 20/04 trên đường phố tại các tỉnh, thành phố và trụ sở Bộ Công Thương; Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022 với sự kiện bên lề triển lãm ảnh.

Sản phẩm nông sản của Nghệ An được chế biến, đóng gói đẹp mắt. Ảnh: Thu Huyền

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Sở Công Thương Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2022. Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đang tập trung một số nội dung: đăng thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương, thực hiện bài viết, đưa tin về các hoạt động của Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia trên trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị liên quan tuyên truyền về các hoạt động của Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia trên cổng thông tin điện tử, đài phát thanh truyền hình địa phương; tổ chức treo băng rôn, cờ phướn tuyên truyền tại một số địa điểm, trục đường, tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Vinh...

Các hoạt động trong Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu Quốc gia, qua đó, tạo cơ sở để thu hút sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời, tạo sự tin cậy và lựa chọn của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ được mang biểu trưng Thương hiệu Quốc gia.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương 

Cần quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm

Theo số liệu tổng hợp từ Sở KHCN, đến đầu năm 2022, Nghệ An có 1.492 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.393 nhãn hiệu, 71 kiểu dáng, 19 giải pháp hữu ích và 9 sáng chế (Riêng trong năm 2021 Nghệ An có 226 bằng, trong đó có 197 nhãn hiệu, 19 kiểu dáng, 9 giải pháp hữu ích và 01 sáng chế tăng hơn so với năm 2020 là 188, tương đương tỷ lệ tăng 20,2 %).

Ngoài 2 văn bằng chỉ dẫn địa lý và 8 nhãn hiệu chứng nhận thì đến nay Nghệ An đã có 31 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Gà vườn rừng Yên Thành, rau An toàn Nghi Long đã thẩm định chấp nhận đơn hợp lệ nhưng chưa được cấp văn bằng.

Cà gai leo, dây thìa canh - những sản phẩm từ dược liệu quý của Con Cuông trưng bày tại 1 hội chợ. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Sở KHCN cho biết: Sau thành công của dán tem truy xuất cam Vinh, đã có 65 sản phẩm đặc sản của Nghệ An được dán tem truy xuất: Nước mắm Vạn Phần, tương Sa Nam, nấm sạch ATC, ổi, bơ, bưởi Nghĩa Đàn, rượu mú từn, rượu cam Con Cuông, gà Thanh Chương, dò chả, rau quả Con Cuông,... Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ, thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại thị trường trong nước; So với toàn quốc, số đối tượng được cấp bằng bảo hộ của các doanh nghiệp Nghệ An xếp loại trung bình khá. Nhiều doanh nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi tiếng đã được bảo hộ và phát triển tốt; các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa thực sự tạo được danh tiếng trên thị trường trong cả nước. Điều này cho thấy, phần lớn chủ thể quyền tại Nghệ An chưa có chiến lược hợp lý trong vấn đề sử dụng và khai thác giá trị vốn có của quyền sở hữu công nghiệp.

Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao quan tâm xây dựng nhãn hiệu, nâng giá trị sản phẩm. Ảnh: Thu Huyền

Rất ít doanh nghiệp, cơ sở tiến hành xác lập quyền với mục đích phát triển bền vững mà chủ yếu đề phòng sự xâm phạm từ các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác, khi đã manh nha có cơ sở xâm phạm; sau khi được cấp văn bằng bảo hộ thì coi như chấm dứt hoạt động xác lập quyền. Một số đơn vị cố gắng để ăn theo danh tiếng của một vài thương hiệu nổi tiếng; sản xuất, kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề, thấy cơ sở khác tiến hành xác lập quyền thì mình cũng thực hiện theo.

Chính vì vậy, để góp phần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không quan tâm đúng mức cho câu chuyện đăng ký nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh áp dụng các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Gắn công tác quản lý chất lượng hàng hóa song hành cùng quá trình xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp... Qua đó, giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và kịp thời đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm kinh doanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật