Xuất khẩu điện sạch: Cơ hội lớn cho Việt Nam
Với việc ký kết hợp tác xuất khẩu điện sạch sang Malaysia và Singapore, Việt Nam đang có bước chuyển mình mới và cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng.
Dấu mốc lịch sử
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, chiều 26/5, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác phát triển giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của 3 nước về xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore.
Theo thỏa thuận này, phía Malaysia, thông qua Liên danh Năng lượng Malaysia (MYEC) giữa Tenaga Nasional Berhad (TNB) và Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS) sẽ hợp tác với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd, công ty con của Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) để khai thác tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, từ đó sản xuất điện sạch và cung cấp điện xuyên biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác phát triển giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của 3 nước về xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo nội dung của thỏa thuận, các bên sẽ cùng nghiên cứu tính khả thi của việc xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore thông qua tuyến cáp ngầm, kết nối với lưới điện quốc gia của bán đảo Malaysia, đồng thời xem xét khả năng bổ sung của nguồn điện và hệ thống lưu trữ để nhằm bảo đảm tính ổn định.
Các chuyên gia đánh giá, sự kiện này là dấu mốc lịch sử và cơ hội lớn cho Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng xanh xuyên biên giới, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, hướng tới việc mở ra một mô hình hợp tác năng lượng tái tạo xuyên biên giới, qua đó đưa khu vực trở thành hình mẫu toàn cầu về giải pháp khử carbon và chuyển dịch năng lượng dựa trên nền tảng hợp tác.
Cơ hội lớn cho ngành năng lượng
Ngành năng lượng Việt Nam, trong đó có điện đã chứng kiến những thăng trầm, trước năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu năng lượng, tuy nhiên từ 2015 trở lại đây, chúng ta đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là than và điện. Nếu như năm 2015, năng lượng nhập khẩu chỉ chiếm 5% thì đến năm 2017 đã lên đến 18% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp.
Việc nhập khẩu điện phục vụ phát triển kinh tế đất nước là một hoạt động hết sức bình thường trong thị trường cạnh tranh, hơn nữa, các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm. Điều này đã được đề cập trong Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội”.
Song song với chiến lược đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, Việt Nam cũng đã tính đến việc xuất khẩu năng lượng. Trên thực tế chúng ta đã và đang thực hiện như xuất khẩu than, xuất khẩu điện sang Camphuchia. Tuy nhiên mức độ còn khiêm tốn.
Với tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo (có thể nói là lớn nhất Đông Nam Á), đặc biệt là điện mặt trời và điện gió (trên bờ và ngoài khơi), cùng với chính sách khuyến khích phát triển và vị trí chiến lược, Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu điện sạch sang các nước trong khu vực.
Theo báo cáo của IRENA, đến năm 2040, nhu cầu điện của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 2.000 TWh. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực gặp khó khăn trong việc phát triển năng lượng sạch tại chỗ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “nguồn cung chiến lược” về điện tái tạo, nhất là nếu hình thành được các tuyến cáp ngầm khu vực kết nối liên thông.
![]() |
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Ảnh: Trần Nguyên |
Định hướng rõ ràng
Thực tế, trong Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), Việt Nam cũng đã xác định xuất khẩu điện là một trong những định hướng chiến lược song song với việc bảo đảm an ninh năng lượng trong nước.
Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2030, tăng quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Dự kiến đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW và duy trì với quy mô 10.000 MW đến năm 2050, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.
Về liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nêu rõ: Tiếp tục nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN ở các cấp điện áp 500 kV và 220 kV để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia. Đồng thời nghiên cứu, ứng dung liên kết lưới điện siêu cao áp với các nước trong khu vực ASEAN phục vụ xuất, nhập khẩu điện. Phương án cụ thể được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo từng dự án.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù có nhiều tiềm năng song để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu điện vẫn còn nhiều thách thức cần sớm giải quyết như hạ tầng truyền tải thiếu đồng bộ, vẫn còn thiếu khung pháp lý cho xuất khẩu điện và những khó khăn về tài chính và thu xếp vốn, nhất là nguồn vốn xanh từ quốc tế.
Có thể nói, thỏa thuận xuất khẩu điện sạch sang Malaysia và Singapore không chỉ là dấu mốc lịch sử, mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Với tiềm năng sẵn có, chính sách quyết đoán và sự đồng hành của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm năng lượng sạch khu vực. |