Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến 1/6 số ca tử vong trên toàn cầu

Theo một báo cáo toàn cầu mới được công bố hôm qua (18/5), ô nhiễm là nguyên nhân dẫn tới khoảng 9 triệu ca tử vong sớm trong năm 2019, tương đương khoảng 1/6 tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng số ca tử vong do hít thở không khí ô nhiễm ngoài trời và những con số “kinh hoàng” về nhiễm độc chì.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Ảnh: Shutter Stock

Các chất thải do con người tạo ra trong không khí, nước và đất thường hiếm khi giết chết con người ngay lập tức, mà thay vào đó trở thành nguyên nhân gây ra bệnh tim, ung thư, các vấn đề về hô hấp, tiêu chảy và các bệnh nghiêm trọng khác.

Ủy ban về ô nhiễm và sức khỏe của The Lancet cho biết tác động từ ô nhiễm đối với sức khỏe toàn cầu vẫn “lớn hơn nhiều so với chiến tranh, khủng bố, sốt rét, HIV, lao, ma túy và rượu”. Theo The Lancet, ô nhiễm là một “mối đe dọa hiện hữu đối với sức khỏe con người và sức khỏe hành tinh, và gây nguy hiểm cho sự bền vững của các xã hội hiện đại”.

Nhìn chung, đánh giá cho thấy, ô nhiễm không khí – nguyên nhân dẫn tới 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019 – có mối quan hệ mật thiết với biến đổi khí hậu vì khởi nguồn chính của cả hai vấn đề này đều là đốt nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu sinh học.

Tác giả chính của báo cáo – ông Richard Fuller, thuộc Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, nhấn mạnh nếu chúng ta không thể quản lý để phát triển theo hướng xanh và sạch, tức là chúng ta đang phạm sai lầm khủng khiếp. Ông còn cho rằng ô nhiễm hóa chất đang gây hại cho đa dạng sinh học - một mối đe dọa lớn khác trên toàn cầu.

Các số liệu cho thấy nhìn chung, cứ 6 ca tử vong sớm trên toàn cầu thì có 1 ca là do ô nhiễm, tương đương với 9 triệu người. Tỷ lệ này không đổi kể từ lần đánh giá cuối cùng vào năm 2015. Chỉ có tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm trong nhà, sử dụng nước uống không đảm bảo và điều kiện vệ sinh không đầy đủ là suy giảm, nhờ những cải thiện lớn trong đời sống ở khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, những ca tử vong sớm liên quan đến quá trình công nghiệp hóa - như ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm hóa chất - đang gia tăng, đặc biệt là ở Đông Á và Nam Á.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, ô nhiễm không khí trong môi trường xung quanh đã gây ra khoảng 4,5 triệu ca tử vong trong năm 2019, so với 4,2 triệu ca năm 2015 và chỉ 2,9 triệu vào năm 2000.

Tình trạng ô nhiễm hóa chất cũng đang ngày càng gia tăng, chỉ riêng nhiễm độc chì đã cướp đinh sinh mạng của 900.000 người. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng con số này có thể “thấp hơn đáng kể” con số thực tế, khi nghiên cứu mới đây cho thấy không có mức phơi nhiễm chì nào là an toàn đối với con người.

Gây hại cho trẻ em

Năm 2021, Algeria trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới cấm xăng pha chì. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn tiếp tục tiếp xúc với loại hoá chất độc hại này, phần lớn là do việc tái chế pin axit-chì và rác thải điện tử không được kiểm soát. Ngoài ra, các loại gia vị ẩm thực bị ô nhiễm cũng là một thủ phạm.

“Thực tế là tình trạng phơi nhiễm chì ngày càng trở nên trầm trọng hơn, chủ yếu ở các nước nghèo và khiến số lượng người tử vong ngày càng gia tăng”, ông Fuller cho biết. Cũng theo ông, bệnh tim là nguyên nhân của hầu hết tất cả các trường hợp tử vong sớm do tiếp xúc với chì - chất gây xơ cứng động mạch.

Ước tính, nồng độ chì tăng cao trong máu ảnh hưởng đến hàng trăm triệu trẻ em, gây hại cho sự phát triển của não bộ và có liên quan đến việc mất chức năng nhận thức nghiêm trọng.

Đồng thời, chì cũng liên quan đến sự gia tăng đột biến các rối loạn hành vi, kéo theo việc giảm năng suất kinh tế, khiến kinh tế toàn cầu ước tính thiệt hại gần 1.000 tỷ USD/năm.

Ở Châu Phi, thiệt hại kinh tế liên quan đến nhiễm độc chì chiếm khoảng 4% GDP, trong khi ở châu Á con số này là 2%.

Kẻ giết người thầm lặng

Nhìn chung, các ca tử vong do ô nhiễm quá mức đã dẫn đến thiệt hại kinh tế tổng cộng 4.600 tỷ USD trong năm 2019, tương đương khoảng 6% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, các nhà nghiên cứu cho biết.

Cho đến nay, các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 90% số ca tử vong là ở những khu vực này.

Đáng chú ý, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm đang theo gió, nước và chuỗi thức ăn vượt qua ranh giới của các quốc gia.

Các cơn gió lưu hành trên toàn cầu đã vận chuyển đưa không khí từ Đông Á đến Bắc Mỹ, từ Bắc Mỹ đến châu Âu, và từ châu Âu đến Bắc Cực và Trung Á.

Trong khi đó, ngũ cốc, hải sản, sô cô la và rau quả được sản xuất để xuất khẩu ở các nước đang phát triển có thể bị ô nhiễm do đất và nước nhiễm chì, asen, cadmium, thủy ngân và thuốc trừ sâu. Điều này “ngày càng đe dọa đến an toàn thực phẩm toàn cầu”, đặc biệt khi “các kim loại độc hại được tìm thấy trong sữa công thức và thức ăn cho trẻ em”.

Tuy nhiên thực tế, mối đe dọa ô nhiễm – nhất là ô nhiễm không khí và nhiễm độc chì - không được chú ý nhiều, khi thế giới chú trọng hơn đến các tác động sức khỏe của vi nhựa.

“Chúng ta có thể nhìn thấy 1 triệu người chết vì ô nhiễm chì hiện nay - nhiều hơn số người chết vì sốt rét hay vì HIV, nhưng điều đó thậm chí còn chưa được thảo luận tới”, ông nói.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)


Tags: ô nhiễm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết