|
  • :
  • :

Giải pháp nào “kéo” người lao động trở lại sản xuất?

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc..., là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11.

Thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp

Liên quan đến thực trạng thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, dịch Covid-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động, các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu lao động. Bộ đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như nêu trên? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành địa phương khắc phục hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?

đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong Báo cáo 177 ngày 8/11 giải trình, Bộ đã nêu rõ các giải pháp, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại; giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về; giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó vấn đề quan trọng nhất là phải lo tốt về chính sách, đời sống, mức lương, thu nhập. Trên cơ sở đó, phải chăm lo đến vấn đề an sinh, nên có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm như nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt... Bên cạnh đó, phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu cụ thể.

Liên quan đến việc khắc phục những hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ là phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. "Hiện nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương. Rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người yếu thế, người có công, về nước sạch và vệ sinh môi trường… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) bày tỏ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ để giải quyết vấn đề trên?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích kỹ đại dịch COVID-19 tác động rất mạnh đến thị trường lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng trống việc làm do khủng hoảng là khoảng 205 triệu lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng thời gian tới, để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, cần có các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, cần tập trung hỗ trợ tốt chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của Chính phủ; đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình, để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí.

Về dài hạn, phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)

Đối với vấn đề lao động gián đoạn, Bộ trưởng đưa ra giải pháp là điều tiết để giảm bớt thiếu hụt lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng các kịch bản. Sử dụng toàn bộ sinh viên một số trường nghề để thực hiện 3 mô hình trên; tăng cường, bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù.

Các chính sách đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng

Đại biểu Lò Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân, nhất là các tỉnh phía Nam. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có gói 26 nghìn tỷ và được đánh giá là kịp thời, là đúng, trúng đối tượng. Bộ trưởng cho biết, sau 4 tháng triển khai kết quả như thế nào và có đạt kết quả như mong muốn không?

Về kết quả sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình thực hiện, tuy còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này khoảng 50% là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng”- Bộ trưởng khẳng định,

Về các chính sách hỗ trợ triển khai sau khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã có tham mưu báo cáo với cấp có thẩm quyền, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo ban hành khẩn trương một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nhằm giảm bớt khó khăn, bớt gánh nặng và chia sẻ với các doanh nghiệp cùng phát triển. Bộ trưởng nhận định, hầu hết những chính sách nêu trên đều là chính sách có tính chất tình thế, mang tính chất hỗ trợ tức thời cho người lao động, người sử dụng lao động.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Tác giả: Lan Anh- Quỳnh Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-keo-nguoi-lao-dong-tro-lai-san-xuat-167141.html
Tin liên quan