|
  • :
  • :

Kỳ vọng thị trường khởi sắc

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, tuy khởi động chậm nhưng sức mua hàng hóa tết đang dần tăng lên, tín hiệu tích cực cho thị trường năm 2022 thuận lợi.

 

Các đoàn liên ngành tăng cường hoạt động kiểm soát thị trường hàng hóa trước, trong và sau tết.

Sức mua dần tăng

Theo nhận định từ Vụ Thị trường trong nước, do tác động của dịch Covid-19 nhiều hoạt động của doanh nghiệp và người dân sụt giảm, nhất là ngành dịch vụ, từ đó ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa. Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội hạn chế hơn các năm trước nhưng tâm lý dần ổn định của người dân trong thời gian thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt”, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nên nhu cầu hàng hóa chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu đã chủ động khảo sát nhu cầu thị trường, cân đối các nguồn, dự trữ đa dạng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường qua các kênh như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng bán lẻ… Còn đối với người trực tiếp bán hàng tết đến tay người tiêu dùng, bài toán nhập hàng năm nay khá khó. Đa số đều chọn cách bán tới đâu, nhập tới đó và không trữ nhiều. Sức mua yếu làm không ít người lo lắng nhưng thị trường có dấu hiệu khởi sắc hơn từ ngày 23 âm lịch trở lên.

 Bà Huỳnh Thị Keo, bán hàng tại chợ Phường VII, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Các loại khô giá bán vừa phải chứ không tăng vọt theo tết vì nguồn hàng chuẩn bị từ trước, như khô cá lưỡi trâu, khô sặc rằn, khô cá lóc có giá từ 70.000-200.000 đồng/kg. Mới tuần này thấy người đi chợ nhiều hơn nên mừng trong lòng, bởi khách ghé mua hàng cũng theo đó mà tăng dần, dẫu không đông đúc nhộn nhịp như mọi năm”.

Cùng suy nghĩ còn có bà Kim Hía, ở chợ Vị Thanh. Bán tạp hóa tại chợ đã nhiều năm và qua 2 “mùa Covid” theo cách nói vui của bà Hía, đã có lúc bà thấy sức mua ở khu chợ lớn nhất thành phố Vị Thanh xuống thấp, đầu tháng 1 mà khách mua chỉ bằng một nửa các năm trước. Tình hình mới khá lên từ tuần này, với vài chục đầu hàng hóa bày tại quầy kệ, bà Hía vẫn nhập đủ các loại sao cho ai tới hỏi gì là có ngay. Còn số lượng sẽ tùy theo tình hình bà thỏa thuận trước với các đầu mối, tiếp thị để khi cần là gọi nhập, tránh tình trạng đổ vốn vào mà hàng hóa dồn ứ.

Theo đoàn khảo sát tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa của Sở Công thương, đối với giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian gần tết nhìn chung ổn định. Thịt heo khoảng 80.000 đồng/kg, bò 230.000-240.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 45.000-50.000 đồng/kg, dưa leo, bầu, bí, rau muống… có giá từ 14.000-16.000 đồng/kg, trứng vịt 2.500-3.000 đồng/trứng. Điều này cũng tạo thuận lợi cho người dân khi mua sắm chuẩn bị tết, nhất là nhiều người còn có xu hướng mua hàng sớm để tránh chợ tết đông người vào những ngày cuối năm.

Tạo môi trường mua sắm an toàn

Khi sức mua tại các cửa hàng, chợ, siêu thị có chiều hướng tích cực, số lượng khách hàng đổ về các nơi này dần tăng lên cũng là lúc người bán và người mua cần nêu cao ý thức tự giác là chính để đảm bảo an toàn khi mua sắm. Bà Phạm Thị Út, người dân đi chợ Phường VII, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Vì ghé nhiều nơi trong 1 buổi đi chợ nên tôi đem chai sát khuẩn để rửa tay khi mua hàng xong. Thật ra vài chỗ bán hàng cũng chưa có sẵn nên mình tự đem theo. Đỡ hơn trước là giờ hầu hết mọi người đều có đeo khẩu trang, ít thấy cảnh chen chúc, tập trung quá đông. Bản thân tôi cũng đã mua dần các món cần thiết để giảm số lần đi chợ vào các ngày 28, 29 âm lịch”. 

Nhận định trong thời gian này người dân tăng mua sắm cả trực tiếp lẫn trực tuyến, nhiều doanh nghiệp đã lên kịch bản tăng cường nhân sự từ 1 tháng trước để phục vụ nhận đơn hàng qua điện thoại, qua zalo, giao hàng, thu ngân, phụ trách thực phẩm… Mặt khác, tại khu vực mua sắm có bố trí vách ngăn, điểm sát khuẩn, khai báo y tế để phục vụ người dân vào mua sắm. 

Kiểm tra tình hình thị trường giá cả hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, đánh giá: Lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn số ít sai phạm như không niêm yết giá, bán hàng quá hạn sử dụng, một số hàng hóa chưa đảm bảo an toàn thực phẩm… Tại chợ cũng còn nhiều điểm cần chấn chỉnh ngay như hàng hóa không có nhãn, cửa hàng hay chợ chưa có chai sát khuẩn. Đoàn kiểm tra liên ngành tuyên truyền tại chỗ để các cơ sở, người buôn bán thực hiện cho đúng. Xem xét xử lý các trường hợp sai phạm theo quy định để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tết luôn là sự kiện mua sắm quan trọng nhất năm, với nhiều nỗ lực từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh và ngành chức năng sẽ mang đến cho người tiêu dùng trong tỉnh một mùa tết an toàn, sung túc.

Bài, ảnh: T.TRANG

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/cong-thuong/ky-vong-thi-truong-khoi-sac-104306.html
Tin liên quan