Hiện nay, nông dân trồng sen khó nhất là tìm đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá
Huyện Tân Thạnh được xem là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển cây sen với tổng diện tích trồng sen trên 300ha. Theo đánh giá của nông dân, lợi nhuận từ trồng sen cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Để nâng cao giá trị từ cây sen, nhiều nông dân khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây sen, trong đó có nhiều sản phẩm đang làm hồ sơ, thủ tục để được công nhận đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.
Có kinh nghiệm thu mua ngó sen tươi và gương sen hơn 7 năm, bình quân 1,5 - 2 tấn/ngày, thế nhưng anh Võ Văn Tâm (xã Kiến Bình) vẫn trăn trở về đầu ra cho cây sen, bởi ngó sen tươi hay gương sen phải bán qua nhiều trung gian và bị thương lái ép giá. Anh Tâm bộc bạch: “Cách đây 2 tháng, tôi nghiên cứu để làm ngó sen ngâm chua ngọt thay vì bán ngó sen tươi cho thương lái. Ban đầu, tôi cũng lo lắng về đầu ra sản phẩm, không biết sản phẩm có cạnh tranh nổi trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận không? Thật đáng mừng khi vừa nêu lên ý tưởng làm ngó sen ngâm chua ngọt, các cấp, các ngành đều rất quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện, nhờ vậy, bình quân 1 tháng, tôi bán trên 100kg ngó sen thành phẩm. Số lượng ban đầu bán ra không nhiều nhưng tôi tin rằng, với tâm huyết, trách nhiệm, nhất là sản phẩm có chất lượng thì sẽ dần chiếm được lòng tin của khách hàng và chinh phục được các thị trường khó tính, góp phần nâng tầm giá trị cho cây sen”.
Tương tự anh Tâm, chị Ngô Thị Mỹ Dung (Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sen Hải Nhơn, xã Nhơn Hòa) cũng trăn trở về hướng đi cho cây sen nên nghiên cứu sơ chế sen thành các sản phẩm như bột sen, sen khô, trà tâm sen,… Bước đầu, các sản phẩm này nhận được sự hài lòng của khách hàng và được các ngành chức năng đánh giá cao. Hiện nay, chị làm hồ sơ, thủ tục để các sản phẩm sơ chế từ sen được công nhận đạt chuẩn OCOP, góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương và tạo ra hướng đi mới cho người trồng sen thay vì chỉ bán sen tươi như trước đây.
Chị Dung trải lòng: “Gia đình tôi thu mua ngó sen tươi và gương sen đã hơn 20 năm. Do đó, hơn ai hết, tôi rất hiểu về những khó khăn, thuận lợi của người trồng sen. Cụ thể, sen nghịch mùa thì bán có giá, thương lái thu mua, còn sen chính vụ thường bị ép giá, thậm chí không bán được. Trong khi đó, nông dân trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp chế biến rất nhiều sản phẩm từ sen, bán được giá, nhất là xây dựng và khẳng định được thương hiệu sen Đồng Tháp Mười. Vậy thì tại sao mình không làm trong khi địa phương mình cũng có nhiều lợi thế với nguồn nguyên liệu sẵn có quanh năm, chỉ cần chịu khó thêm vài bước là có thể nâng tầm sản phẩm địa phương. Với suy nghĩ đó, tôi quyết định đầu tư máy móc, trang thiết bị để làm các sản phẩm chế biến từ sen”.
Cây sen rất phù hợp với một số xã thuộc vùng trũng của huyện Tân Thạnh. Song, hiện nay, nông dân trồng sen lại lo lắng về đầu ra, do đó mong muốn duy nhất của họ là tìm được đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá. Và việc chế biến sen thành các sản phẩm như ngó sen ngâm chua ngọt, trà tâm sen, sen bột,… là một trong những giải pháp tìm đầu ra ổn định cho cây sen và nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức đoàn đến tham quan, học hỏi mô hình chế biến sen tại các cơ sở ở tỉnh Đồng Tháp; xây dựng mã số vùng trồng cho cây sen; hỗ trợ hợp tác xã làm hồ sơ, thủ tục để các sản phẩm từ sen đã qua chế biến được công nhận đạt chuẩn OCOP; khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân sơ chế các sản phẩm từ sen;...”./.
Lê Ngọc