|
  • :
  • :

Nông thôn Hậu Giang ngày càng khởi sắc

Diện mạo quê hương ngày một đổi mới, đời sống người dân đủ đầy. Đó là kết quả của sự chủ động, dám nghĩ, dám làm cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hậu Giang thời gian qua.

 

Người dân ở xã NTM nâng cao Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh phát triển kinh tế vườn. (Ảnh chụp trước dịch)

Nhiều điểm sáng

Ở huyện Châu Thành A, trên những cánh đồng, vườn cây, trang trại chăn nuôi, người dân mang tư duy sản xuất mới, chất lượng đặt lên hàng đầu. Để rồi từ một huyện nghèo trở thành huyện NTM, sớm hơn một năm so với kế hoạch của Tỉnh ủy. 10 năm qua, huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết hợp với thủy lợi khép kín, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Hình thành hai cánh đồng lớn gần 8.000ha ở xã Trường Long Tây và xã Trường Long A. Tiết kiệm chi phí sản xuất từ 1,5 đến 4,3 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2020 giảm còn 1,06%.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phong Phú, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: Hiện HTX có 21 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái 10ha chuyên trồng nhãn và dâu, toàn bộ được bao tiêu với giá cả ổn định luôn cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, HTX còn mở rộng, thu mua của các hộ trong vùng để cung cấp cho thị trường. Đường sá được nâng cấp, mở rộng, xe 4 bánh đi tới tận vườn thu mua nông sản cho người dân.

Người dân ở xã NTM Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chung tay trồng hoa kiểng, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. (Ảnh chụp trước dịch)

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, khẳng định: Thành công trong xây dựng NTM ở huyện đó là nhờ sự chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân tạo ra nhiều mô hình mới trong chuỗi liên kết, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm. Công khai, minh bạch, dân chủ, rõ ràng. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu.

Còn ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 7-2019 mang một diện mạo hoàn toàn mới. Ở đây, người nông dân không chỉ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mà còn liên kết sản xuất để nâng cao giá trị và đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích xây dựng NTM nâng cao. Khi lòng dân đồng thuận thì mọi việc triển khai đều thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Mãn, ở xã Đại Thành, là người hiến hơn 50m2 đất nhà, vừa tích cực vận động các hộ khác đồng ý hiến đất làm lộ 3,5m trước nhà. Lúc đầu, còn vài hộ không đồng ý vì ảnh hưởng đến diện tích đất, nhưng sau khi được tuyên truyền thì ai cũng đồng tình ủng hộ.

“Ở đây, hồi đó lộ bị ngập, con em đi học không được. Có chương trình làm đường thì mình đóng góp với Nhà nước để có lộ cho con em đi học, việc mua bán hàng hóa, giao thông dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Văn Mãn bộc bạch.

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh - sạch - đẹp. Cầu và lộ giao thông được đầu tư, nâng cấp mới khang trang, xe 4 bánh chạy về đến tận nhà. Khi tuyến đường ô tô về trung tâm xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, được nâng cấp mở rộng, kết hợp làm đê bao ngăn mặn đã tạo điều kiện cho xe tải vào tận rẫy thu mua khóm của bà con. Vươn lên từ vùng đất phèn mặn, cây khóm đã giúp người dân Hỏa Tiến có cuộc sống sung túc, ấm no hơn.

Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thông tin: Bên cạnh tiêu thụ khóm trái, bà con trong HTX còn sản xuất nhiều sản phẩm từ khóm, trong đó phải kể đến là rượu khóm, nước màu khóm, mứt khóm và dưa chua củ hủ khóm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người trồng khóm.

Đạt nhiều kết quả ấn tượng

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Phước, Tân Long), nâng tổng số lên 34/51 xã và ước thực hiện cuối năm là 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (công nhận thêm xã Vĩnh Thuận Tây) đạt 68,63% (tăng 3 xã, so với cuối năm 2020, đạt 150% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh).

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay cũng công nhận mới 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh và xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, nâng tổng số toàn tỉnh đạt 5 xã. Ước đến cuối năm 2021, công nhận thêm xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ thì toàn tỉnh có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tăng 3 xã so với cuối năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm 2021, đạt 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Số tiêu chí bình quân/xã là 16,9 tiêu chí/xã, dự kiến cuối năm đạt 17,7 tiêu chí/xã. Công nhận 1 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu là ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy.

 Hiện, toàn tỉnh có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gồm 32 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao). Ước thực hiện đến cuối năm 2021 công nhận ít nhất 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt từ 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, lũy kế số sản phẩm công nhận trong năm 2021 là 40 sản phẩm; hoàn thiện 2 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương (chanh không hạt, bưởi Năm Roi của HTX trái cây sinh học OCOP).

Là tỉnh trẻ, đối diện nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, kinh nghiệm từ các thế hệ lãnh đạo đi trước. Dựa vào dân, lấy lợi ích của dân lên trên hết nên mọi việc đều thành công. Hơn nữa, đây là vùng đất nghèo, trong sự phát triển của cả nước, người dân Hậu Giang có khát khao mạnh mẽ vươn lên làm giàu. Khi khơi đúng mạch, đúng luồng nên sự phát triển này được tiếp thêm sức mạnh, đi nhanh. Đây là bài học được tỉnh vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt thời gian qua.

 Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, chia sẻ: Thành công trong xây dựng NTM tỉnh rút ra kinh nghiệm đó là sự vào cuộc và đồng tình của người dân; vai trò của cấp ủy đảng vào cuộc rất quyết liệt. Hệ thống chính trị cơ sở tập trung cho công tác tuyên truyền ở từng đối tượng hết sức cụ thể. Tỉnh tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép các nguồn vốn có hiệu quả trong thời gian qua.

Mang tính bền vững

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ bắt tay ngay vào triển khai Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Trong đó, năm 2022 tỉnh phấn đấu xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Chỉ đạo rà soát, đánh giá lại đối với huyện Châu Thành để làm cơ sở xây dựng huyện NTM. Đồng thời, chỉ đạo huyện Châu Thành A tiếp tục củng cố, nâng chất, tạo tiền đề để xây dựng huyện NTM nâng cao trong thời gian tới.

Về giải pháp, ông Huỳnh Thành Hữu cho biết: Hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá lại các bộ tiêu chí, trên cơ sở đó có lộ trình cụ thể cần giải quyết các vấn đề như hỗ trợ nguồn lực để các địa phương xây dựng các tiêu chí mang tính đột phá, mang tính vững chắc, xây dựng tiêu chí đó ở cấp xã và tiêu chí cấp huyện. Tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng với Nhà nước thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ vào mô hình sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, kiểm tra, giám sát thực hiện từng tiêu chí, làm sao các tiêu chí khi đạt phải mang tính bền vững.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Khi chúng ta xây dựng thành công NTM thì đời sống vật chất, tinh thần, môi trường, các mô hình làm ăn kinh tế, hệ thống giao thông, nhà văn hóa, các thiết chế sẽ đổi thay theo hướng tốt đẹp hơn, tích cực hơn. Lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ này xác định rất rõ, đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm, nghiên cứu, đầu tư và nghĩ ra cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả hơn để nguồn lực chúng ta đầu tư không nhiều nhưng đem lại hiệu quả cao. Chúng tôi hy vọng tỉnh sẽ có nhiều hơn nữa xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, vấn đề làm sao xây dựng nông thôn là nơi đáng sống để tất cả mọi người đều không phân biệt là thành thị và nông thôn, có hướng quay lại về nông thôn để làm ăn và sinh sống, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và sự phát triển của NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ.

“Bài học quan trọng nhất đối với xây dựng NTM là làm sao để tuyên truyền vận động người dân hiểu và nhận thức được cùng đồng lòng với chính quyền tham gia. Nếu chúng ta có nguồn lực nhưng người dân không tự nguyện tham gia thì hết sức khó”, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết thêm.

Đến nay, toàn tỉnh có 34/51 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 66,67%), 5 xã NTM nâng cao gồm: Xã Đại Thành và xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy; xã Thạnh Xuân, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A; xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM gồm: thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Đến cuối năm 2021, tỉnh cố gắng phấn đấu công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, gồm 2 xã NTM Phú Hữu, huyện Châu Thành và xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy. Xem xét, công nhận thêm 2 xã NTM nâng cao, gồm: xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ và xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nong-thon-hau-giang-ngay-cang-khoi-sac-102400.html
Tin liên quan