Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 11 quận, huyện, thành phố công bố kiểm soát được dịch Covid-19, gồm: Thành phố Thủ Đức; các quận: 7, 5, 1, 3, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình; các huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế |
Theo tinh thần của Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, thành phố sẽ không mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh. Một số hoạt động được cho phép mở lại, trong đó có các hoạt động sản xuất, kinh doanh với điều kiện bảo đảm thực hiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày 30/9, Thành phố không còn các chốt chặn nhưng vẫn tổ chức các chốt lưu động và tăng cường tuần tra, kiểm soát, tránh hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố, người dân không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác và không ra khỏi địa bàn TP Hồ Chí Minh (khi thực sự cần thiết sẽ có hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải).
Về cung ứng hàng hoá, thành phố yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương được thuận lợi. Từ ngày 1/10, các quận, huyện, thành phố sẽ có phương án mở lại các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Cụ thể, chợ truyền thống phải bảo đảm các tiêu chí như: Đối với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh COVID-19”, “thẻ vàng COVID-19”; quy định khoảng cách an toàn, phương án bố trí lối ra vào, tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, công tác khử khuẩn; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, thông tin liên lạc; kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Theo thống kê của Sở Công Thương, TP Hồ Chí Minh có khoảng 240 chợ truyền thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các chợ đã đóng cửa. Hiện Thành phố đang rà soát các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để xem xét tổ chức theo tiêu chí an toàn.
Những ngày qua, tình hình cung ứng hàng hoá tại Thành phố tiếp tục ổn định, nguồn cung hàng hóa tương đối đầy đủ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nhu cầu dịch vụ giao nhận hàng đặt qua ứng dụng công nghệ vẫn cao nhưng giá dịch vụ giao hàng đã giảm so với thời trước do có nhiều shipper tham gia hoạt động, các hãng kinh doanh dịch vụ cạnh tranh giá vận chuyển và đưa ra nhiều ưu đãi cho shipper và khách hàng. Tại các địa bàn “vùng xanh” như Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 03 chợ đầu mối vẫn duy trì hoạt động.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 29/9 và sáng 30/9 tương đương so với hôm trước, ước đạt 5.122,3 tấn/ngày, trong đó: Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 29/9 ước đạt 1.180 tấn/ngày; Các doanh nghiệp Bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.592,3 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại); Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 30/9 tương đương so với ngày 29/9, ước đạt 880 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 350 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 530 tấn/ngày).
Bộ Công Thương đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế, bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. |
Bảo Ngọc