|
  • :
  • :

Ứng dụng quy trình GAP vào sản xuất nông nghiệp

Trong định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, gia tăng về số lượng, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua việc áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất.

HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đang áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP trên cây mãng cầu. Ảnh: D.KHÁNH

Với diện tích hơn 50ha, HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1.000 tấn trái. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng đều bán dưới dạng trái thô, giá trị không cao. Với tham vọng đưa trái mãng cầu xiêm xuất ngoại, năm qua HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đã mạnh dạn nhận và thực hiện hai dự án sản xuất mãng cầu xiêm theo quy trình GlobalGAP do Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh triển khai với tổng diện tích 30,2ha. Mục tiêu hướng tới là để tạo ra trái mãng cầu sạch phục vụ cho các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Ông Phùng Văn Rở, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: Tổng diện tích của HTX là 50ha, nhưng hai dự án của tỉnh chỉ triển khai 30,2ha, HTX cũng hướng dẫn thành viên đối với diện tích còn lại thực hiện theo chuẩn GlobalGAP, để sau này tiện cho việc đánh giá mở rộng. Do đó, quá trình sản xuất, HTX đã vận động xã viên tuân thủ theo hướng dẫn để đạt mục tiêu 100% sản lượng mãng cầu làm ra đạt tiêu chuẩn sạch để phục vụ xuất khẩu.

Ngoài cây mãng cầu xiêm thì hiện nay huyện Phụng Hiệp cũng còn 7 loại nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là: lúa, chanh không hạt, dưa lưới, mít Thái, khóm MD2, vú sữa hoàng kim và cá thát lát. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh xây dựng được 15 mã số vùng trồng cho mít, nhãn Ido đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc với diện tích 179ha và 2 mã số vùng trồng chanh không hạt đủ điều kiện xuất sang châu Âu với diện tích 46,6ha, tổng sản lượng đạt 1.398 tấn/năm. Tham gia quy trình, nông dân phải tuân thủ việc sử dụng thuốc BVTV, như: phân định các loại thuốc, kho bãi, liều lượng, thời gian cách ly khi thu hoạch, đảm bảo nông sản làm ra không còn tàn dư thuốc BVTV.

Ông Phan Quốc Tuấn, nông dân làm lúa ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nhà nước triển khai các quy trình sản xuất thì mình cũng áp dụng thực hiện. Qua thực tế sản xuất thấy có nhiều cái lợi như giảm được giống, phân bón, thuốc BVTV, đồng thời tăng được năng suất và lợi nhuận”.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, mô hình sản xuất lúa an toàn tiến đến hữu cơ ở xã Thạnh Hòa là mô hình gắn với du lịch, sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với cây cảnh, bông hoa để vừa làm cảnh quan đẹp, vừa dẫn dụ thiên địch để hạn chế sâu bệnh tiến tới việc hạn chế chi phí đầu tư. Còn mô hình vú sữa hoàng kim ở xã Tân Long sẽ mở rộng thêm từ 5-10ha, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% giống, phân bón quy trình VietGAP để sản xuất theo hướng sạch.

Để từng bước giúp người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Phụng Hiệp đang tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh triển khai 7 dự án khuyến nông gồm: Trồng mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, cơ giới hóa trong sản xuất mía, ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa, trồng cây dược liệu vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và nuôi rắn bồng voi (rắn ri voi) kết hợp ốc bươu đen. Riêng nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, huyện cũng đang triển khai 3 mô hình, gồm: Mô hình lúa an toàn tiến đến hữu cơ ở xã Thạnh Hòa; mô hình trồng vú sữa hoàng kim ở xã Tân Long và danh mục tư vấn đào tạo công nhận VietGAP và GlobalGAP trên cây lúa và vú sữa hoàng kim. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 1,5 tỉ đồng. Đây là những mô hình sản xuất theo hướng sạch, sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, áp dụng các quy trình truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Góp phần tạo ra sản phẩm sạch vừa phục vụ cho khách tham quan du lịch vừa đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, với tầm quan trọng của khoa học công nghệ và nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng cao và đòi hỏi khắt khe về sản phẩm an toàn, phải truy nguyên được nguồn gốc nên những năm gần đây từ các nguồn kinh phí khuyến nông ngành nông nghiệp Hậu Giang luôn quan tâm xây dựng những mô hình hướng tới những sản phẩm nông nghiệp phải đạt những tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP và phải có mã số vùng trồng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp,... đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Do đó, trong xây dựng mô hình canh tác về nông nghiệp để chuyển giao đến người nông dân, ngành nông nghiệp luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn và gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết bao tiêu đầu ra hướng tới phục vụ tốt cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự bền vững.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP như: Mô hình trồng mít theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm với quy mô 20ha tại huyện Châu Thành; mô hình trồng sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm với quy mô 10ha tại huyện Châu Thành A; mô hình trồng mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm với quy mô 10ha tại huyện Phụng Hiệp; mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô 180ha tại thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Châu Thành A...

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/ung-dung-quy-trinh-gap-vao-san-xuat-nong-nghiep-115853.html
Tin liên quan