Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Nóng" chuyện an toàn thực phẩm: Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách nào?

An toàn thực phẩm phải được quản lý chặt chẽ ở nơi sản xuất. Còn quản lý an toàn thực phẩm ở nơi tiêu thụ sẽ giống như một cuộc đuổi bắt gian nan và mệt mỏi.

Bước vào những tháng cao điểm của hoạt động du lịch, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

An toàn vệ sinh thực phẩm đã được nói không ít lần, từ nhiều năm nay, trên báo chí và trên cả diễn đàn Quốc hội. Nhưng vấn đề này chưa bao giờ hết nóng. Đặc biệt gần đây vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng trở nên nóng hơn khi hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra.

Ngay sau sự việc 6 bệnh nhân ngộ độc Botulinum trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đã có 1 người tử vong, thì mới đây 48 người ở Quảng Trị cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại một tiệc cưới. Hầu hết các bệnh nhân này đều có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; trong đó có một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ.

Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm gây ngộ độc, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu thức ăn và đá viên hiện diện nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn. Trong đó, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò, rau sống và độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm

Thực tế, không phải đến bây giờ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mới được nhắc đến một cách ráo riết đến như vậy, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum. Trong năm 2020 (từ 13/7 - 18/8), nhiều bệnh nhân trên cả nước đã bị ngộ độc Botulinum do ăn món Pate Minh Chay. Tổ chức Y tế Thế giới đã phải hỗ trợ Việt Nam 12 liều thuốc giải độc tố Botulinum để dùng cho những trường hợp bệnh nặng.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Trước đó, năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. So với năm 2020 thì năm 2021 giảm 58 vụ (41,7%), giảm 1.152 người bị ngộ độc (37,2%), giảm 12 người tử vong (40,0%).

Trong bối cảnh đó, các Bộ, ngành chức năng đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra về thực hiện an toàn thực phẩm. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 gồm Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc tại nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên địa bàn; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin về cơ sở chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, cơ sở bán thực phẩm an toàn để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.

Cùng với việc kiểm tra thì tại các thành phố lớn cũng đang ngày càng siết chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Theo đề án, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Nêu ý kiến khi thảo luận tổ ở Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức xúc ở các đô thị lớn, do vậy đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có đủ cơ sở pháp lý để thí điểm, sau đó đánh giá, nghiên cứu nhân rộng ra các đô thị lớn.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, an toàn thực phẩm phải được quản lý chặt chẽ ở nơi sản xuất. Còn quản lý an toàn thực phẩm ở nơi tiêu thụ sẽ giống như một cuộc đuổi bắt gian nan và mệt mỏi. Muốn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thì cách tốt nhất vẫn là giám sát thường xuyên và xử phạt cương quyết đối với các trường hợp vi phạm, để từng bước nâng cao ý thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm của tất cả mọi người.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết