Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Dương: Nhà xưởng hơn 4.000m2 “mọc” trên đất trồng lúa

Hàng nghìn mét vuông đất trồng lúa tại phường Tân Hiệp (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách “hô biến” thành khu nhà xưởng. Đáng nói, khu nhà xưởng trên đã tồn tại gần 10 năm qua.

Theo phản ánh của người dân, nhà xưởng chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách đã xây dựng và hoạt động từ năm 2015.

Việc tồn tại trái phép của nhà xưởng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân; không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.

Bình Dương: Nhà xưởng hơn 4.000m2 “mọc” trên đất trồng lúa
Nhà xưởng chi nhánh công ty TNHH Thương mai dịch vụ Đất Khách

Trước sự việc trên, ngày 17/4, phóng viên đã có mặt tại phường Tân Hiệp để ghi nhận, theo đó, thông tin phản ánh hoàn toàn có cơ sở. Nhà xưởng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách nằm trong một con hẻm sâu thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Tân Uyên.

Tận mục sở thị, khu nhà xưởng được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1 hecta, diện tích xây dựng hơn 4.000m2. Trong khuôn viên, rác thải, xỉ tro từ việc đốt rác tràn lan khắp nơi.

Bình Dương: Nhà xưởng hơn 4.000m2 “mọc” trên đất trồng lúa
Khu nhà xưởng rộng hơn 4.000m2

Không chỉ xây dựng trái phép mà theo quan sát của phóng viên nhiều nhà xưởng tại đây có dấu hiệu không bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào, đặc biệt thời tiết đã bước sang mùa nắng nóng.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Ngô Văn Tô, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp, cho biết, thửa đất số 2167, 2174, 2175, 2176, tờ bản đồ số 24 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 3/2/2021 cho ông Phan Ngọc Ân. Mục đích sử dụng là đất trồng lúa.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp cũng khẳng định, hiện trạng khu đất trên có xây dựng một nhà kho không phép.

Bình Dương: Nhà xưởng hơn 4.000m2 “mọc” trên đất trồng lúa
Trong khuôn viên chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách, rác thải la liệt

Theo ông Ngô Văn Tô, chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách hiện đang hoạt động trong ngành nghề sản xuất, gia công ốc vít kim loại. Đơn vị này hoạt động chính thức từ năm 2015 đến nay.

Về biện pháp xử lý, UBND phường Tân Hiệp đã yêu cầu chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách ngưng hoạt động. Đồng thời, đơn vị này sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND thành phố Tân Uyên xử lý theo quy định.

Có thể nói, nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn cấp xã ở thành phố Tân Uyên đang là thực trạng nhức nhối, khó kiểm soát. Nếu các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, sẽ để lại những hệ lụy khó lường.

Trước thực trạng nêu trên, dư luận đề nghị ngành chức năng cũng như các cấp chính quyền thành phố Tân Uyên sớm vào cuộc và có chỉ đạo xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đất Khách tại địa bàn phường Tân Hiệp, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.

Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trường hợp tự chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại đô thị mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại Điều 9 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì bị phạt tiền đến 500.000.000 đồng và bị buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; bên cạnh đó, phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng quy định tại Quyết định 02/2022/QĐ-UBND về việc buộc các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày 1/7/2014 thì buộc tháo dỡ, di dời đưa khỏi đất các công trình đã xây dựng trên đất (nếu có), san lấp khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu (hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề), buộc cải tạo lại đất để đảm bảo việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đất.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết