Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương bất ngờ nghiên cứu bỏ hay giữ quỹ BOG xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi, đánh giá và kiến nghị việc tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn hay không giữ Quỹ Bình ổn theo quy định của Luật Giá mới (2023) tại Tờ trình và Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6/2024.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

-9802-1717746060.jpg

Trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 31/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá.

Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng Quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

Do đó tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn, rất ít khi phải dùng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Đối với Quỹ Bình ổn, Bộ sẽ theo dõi, đánh giá và kiến nghị việc tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn hay không giữ Quỹ Bình ổn theo quy định của Luật Giá mới (2023) tại Tờ trình và Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6/2024.

Đây là quan điểm khá bất ngờ, bởi trước đó, nhiều ông lớn xăng dầu như Petrolimex, PVOIL… đều bày tỏ mong muốn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tránh những vụ việc sử dụng sai mục đích như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… Tuy nhiên, cơ quan quản lý nêu lý do thực hiện quỹ BOG là quy định của Luật Giá, vì vậy không dễ bỏ.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 31/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 22 kỳ điều chỉnh giá.

Trong đó, mặt hàng xăng E5RON92 có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, mặt hàng xăng RON95 có 12 lần tăng và 10 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel có 10 lần tăng và 12 lần giảm giá, mặt hàng dầu hỏa có 11 lần tăng và 11 lần giảm giá, và mặt hàng dầu mazut có 15 lần tăng và 7 lần giảm giá.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu (theo kỳ điều hành ngày 23/5/2024): xăng E5RON92 không cao hơn 22.277 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 23.213 đồng/lít, dầu diesel 0,05S không cao hơn 19.837 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 19.902 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 17.513 đồng/kg.

So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 22/5/2023), giá bán trên thị trường (ngày 23/5/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.789 đồng/lít, tương đương tăng 8,73%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.714 đồng/lít, tương đương tăng 7,97%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.883 đồng/lít, tương đương tăng 10,49%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.933 đồng/lít, tương đương tăng 10,76%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 2.355 đồng/kg, tương đương tăng 15,54%.

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết