Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu của ‘nữ hoàng cá tra’… khó vượt vũ môn

Nhận định được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung Quốc, nhóm cổ phiếu thủy sản nói chung, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn nói riêng được dự báo sẽ “hút” tiền trở lại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu VHC vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan.

Thống kê cho thấy, năm 2022, cổ phiếu VHC là một trong 2 cổ phiếu thuộc doanh nghiệp đầu ngành đã duy trì được đà tăng sau khi lợi nhuận đạt đỉnh (+14,1%).

Xu hướng đi ngang tích lũy

Có thể thấy, trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động giữa nửa đầu và nửa cuối năm. Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) trong 11 tháng đầu năm 2022, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 4 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ) và 2,3 tỷ USD (tăng 64% so với cùng kỳ), chủ yếu do đạt mức tăng trưởng ấn tượng 38% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Trong nửa đầu năm, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng nhờ nhu cầu cao và giá tăng (giá bán bình quân tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt tăng 11% và 55% so với cùng kỳ). Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp đối thủ.

-4691-1673879972.jpg

Từ ngày 6/6/2022 đến ngày 16/1/2023, cổ phiếu VHC đã giảm gần 37% từ 109.000 đồng/cp về 68.800 đồng/cp và có xu hướng đi ngang tích luỹ. (Ảnh: Int)

Nhìn về kết quả kinh doanh của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn. Theo kết quả kinh doanh vừa mới cập nhật, tháng 11/2022, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu xuất khẩu 893 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính từ đầu năm, Vĩnh Hoàn đã đứt mạch tăng trưởng liên tục khi doanh thu xuất khẩu tháng 11 xuống gần thấp nhất năm (sau tháng 1). So với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là tháng duy nhất trong năm ghi nhận kết quả giảm sút.

Điều này cũng được phản ánh phần nào trên sàn chứng khoán. Kết phiên 3/6/2022, cổ phiếu VHC tăng lên mức 114.500 đồng/cp, thanh khoản gần 3 triệu đơn vị. Đây cũng là mức đỉnh mới của cổ phiếu “nữ hoàng cá tra” trong 15 năm qua, tăng khoảng 75% từ đầu năm. Ngay sau đó, từ ngày 6/6/2022 đến ngày 16/1/2023, cổ phiếu VHC đã giảm gần 37% từ 109.000 đồng/cp về 68.800 đồng/cp và có xu hướng đi ngang tích luỹ.

Không chỉ vậy, sau giai đoạn mua liên tục, nhóm quỹ Dragon Capital đang có dấu hiệu thoát cổ phiếu VHC với mức giá thấp hơn giá họ mua vào.

Cụ thể, ngày 10/1 vừa qua, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 98.000 cổ phiếu VHC để giảm sở hữu tại Vĩnh Hoàn từ 8,02% về còn 7,96% vốn điều lệ.

Có thể tăng trưởng âm trong năm 2023

Nhìn chung, đầu năm 2023, cổ phiếu ngành thủy sản đã ghi nhận 1 – 2 phiên diễn biến tích cực đi ngược thị trường, bất chấp dòng tiền “eo hẹp” trước nhận định của giới phân tích. Đó là việc Trung Quốc dần tiến tới việc mở cửa trở lại cùng với nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch sẽ là động lực cho nhóm thủy sản.

Tuy nhiên, dù tin rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng giới phân tích vẫn đưa ra lưu ý rằng, điều này không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty thủy sản trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận cao của các doanh nghiệp thủy sản vào năm 2022 và quan ngại về mức độ chắc chắn của các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc.

SSI Research dự báo, kết quả kinh doanh năm 2023 của các công ty cá tra sẽ giảm đi. Và điều này có lẽ cũng là nguyên nhân giải thích cho việc cổ phiếu VHC khó “hút” được dòng tiền lớn.

Theo SSI Research, năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn dự báo lần lượt đạt 12.600 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) và 1.600 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ). Theo đó, nhóm phân tích này đã điều chỉnh giảm P/E mục tiêu cho Sa Giang và mảng Collagen & gelatin từ 11x xuống 10x và sử dụng EPS năm 2023 để đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới cho VHC là 69.200 đồng/cp (tiềm năng giảm giá là 3%).

Còn trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, Vĩnh Hoàn có thể tăng trưởng âm trong năm 2023 do giá bán và sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Cụ thể, VDSC dự phóng năm 2022, Vĩnh Hoàn sẽ ghi nhận ước tính doanh thu 14.146 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.293 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, VDSC bất ngờ dự phóng Vĩnh Hoàn sẽ ghi nhận doanh thu 12.050 tỷ đồng, giảm 15% so với ước tính thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ là 1.586 tỷ đồng, giảm 31% so với ước tính thực hiện trong năm 2022.

VDSC giả định rằng, năm 2023, giá bán và sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sẽ giảm lần lượt 11,7% và 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu liên quan đến cá tra năm 2023 sẽ giảm 16% so với cùng kỳ về 11.487 tỷ đồng.

VDSC cho rằng, lợi nhuận năm 2023 của Vĩnh Hoàn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm, nhưng vẫn cao hơn mức trước năm 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra. Mảng collagen và gelatin (C&G) làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết