Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng hoá các mô hình bảo tàng, hướng tới bảo tàng số

Trước ý kiến của đại biểu đề nghị tạo điều kiện cho bảo tàng tư nhân hoạt động , Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong lần sửa đổi này, Luật Di sản văn hoá có hướng tiếp cận mở rộng hơn, cho phép đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ “độ chín” sẽ có Bảo tàng số.

Sáng 26/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đa dạng hoá các mô hình bảo tàng, hướng tới bảo tàng số

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Quan tâm đến hoạt động của bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chương 5 của Dự thảo Luật về hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân là chương mới; các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng.

Đại biểu phân tích, hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển; hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập.

Đồng thời, các bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập tại khoản 2 Điều 64 vẫn còn chung chung.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Hoa đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng đồng thời tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.

Đa dạng hoá các mô hình bảo tàng, hướng tới bảo tàng số

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân

Quan tâm tới chính sách hỗ trợ nghệ nhân, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, khoản 6 điều 7 về tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số ít người, sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, truyền dạy người kế cận.

Theo đại biểu, quy định này được đặt ra nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện và quy định rõ chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung và chế độ đãi ngộ có khác gì so với các nghệ nhân khác hay không?

Để giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số kịp thời. Qua đó phát huy mọi khả năng đóng góp của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ quan điểm về quy định tại điều 13 của dự thảo Luật: Nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản.

Tuy nhiên việc thực hiện các quy định về chế độ hỗ trợ và trợ cấp hằng tháng đối với nghệ nhân nói chung và nghệ nhân (đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn vẫn còn ít. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản Văn hóa, từ khi Luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ trợ cấp này.

Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị bổ sung thêm “nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách cùng nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đa dạng hoá các mô hình bảo tàng, hướng tới bảo tàng số

Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu

Giải trình các ý kiến đại biểu liên quan tới bảo tàng, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, theo luật hiện hành quy định bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân.

Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, hướng tiếp cận mở rộng hơn, theo đó cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; đồng thời đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Liên quan đến bảo tàng số, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ “độ chín” sẽ có bảo tàng số.

Đối với ý kiến đại biểu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng cho biết, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân.

Không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng. Ngoài ra, tùy theo nguồn lực của địa phương, hội đồng nhân dân quyết định chính sách riêng để giúp nghệ nhân có điều kiện để truyền dạy tốt hơn.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết