Đóng BHXH bao nhiêu tháng thì được hưởng chế độ thai sản?
Bà Phạm Huyền Chi (Đà Nẵng) đóng BHXH từ tháng 5/2018. Tháng 10/2019, bà nghỉ việc do hết hạn hợp đồng lao động. Bà Chi dự kiến sinh con vào ngày 5/3/2020. Vậy, bà có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không?
Lao động nữ đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản |
Bà Chi mang thai khi hết hợp đồng, doanh nghiệp có quyền không ký hợp đồng lại với bà không?
Về vấn đề này, BHXH TP. Đà Nẵng trả lời như sau:
Tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo nội dung trình bày, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con vào tháng 3/2020, bà đóng BHXH được 8 tháng nên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 155 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Như vậy, người sử dụng lao động sẽ không được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do đang mang thai.
Tuy nhiên, Điều 36 Bộ luật Lao động cũng quy định: Hết hạn hợp đồng lao động là một căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động. Khi hết hạn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận về việc ký tiếp hợp đồng lao động hoặc không ký tiếp hợp đồng lao động. Nếu hai bên không thỏa thuận được việc ký tiếp hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động cũ sẽ đương nhiên chấm dứt.