Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành tháo gỡ khó khăn

Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Việc bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Giá xăng, dầu giảm là niềm vui của mọi người dân

Năm 2022 do tác động của mặt bằng giá bán xăng, dầu trên thế giới, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã điều chỉnh tăng, giảm hàng chục lần. Đáng nói phần lớn sau mỗi lần điều chỉnh giá xăng, dầu thường ở mức cao hơn trước.

Với sự nỗ lực của Chính phủ và sự đồng hành, xử lý khẩn trương, đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc bình ổn giá xăng, dầu, nhất là vào ngày 11/7/2022 Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mặt hàng này đã hỗ trợ tích cực cho người dân, cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy phục hồi kinh tế; cũng như góp phần kiềm chế lạm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá xăng, dầu theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 trong thời điểm đầu quý 3/2022 như một mũi tên trúng được nhiều đích, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho SXKD của nền kinh tế, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa nhất trí thông qua mức thuế BVMT đối với xăng, dầu. Mức thuế mới theo quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 được áp dụng từ đầu năm 2023 đến hết năm 2023. Theo đó, mức thuế BVMT với xăng (trừ ethanol) 2 ngàn đồng/lít; dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn 1 ngàn đồng/lít, kg; dầu hỏa 600 đồng/lít. Riêng thuế với nhiên liệu bay hiện vẫn còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên đề nghị áp mức sàn trong biểu thuế 1 ngàn đồng/lít.

Cũng theo nghị quyết này, từ đầu năm 2024, thuế BVMT với xăng, dầu sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng 4 ngàn đồng/lít; nhiên liệu bay 3 ngàn đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2 ngàn đồng/lít; dầu hỏa 1 ngàn đồng; mỡ nhờn 2 ngàn đồng/kg.

Thực tế, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng. Biến động tăng hoặc giảm giá xăng, dầu sẽ trực tiếp tác động mạnh đến hầu hết các hoạt động SXKD. Trong đó, giảm giá mặt hàng này sẽ giúp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên, vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, dư luận và các chuyên gia kinh tế tiếp tục đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội trong việc giảm thuế BVMT xăng, dầu trong đầu năm 2023.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giảm giá xăng, dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng, dầu của người dân; giảm giá xăng, dầu đồng nghĩa với cơ hội kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập, góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.

Sau giảm thuế BVMT của xăng, dầu vào đầu năm 2023, hiện nay nhiều người dân mong mỏi Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục giảm giá xăng, dầu, hướng đến thúc đẩy các hoạt động SXKD, ổn định phát triển nền kinh tế nước nhà.

Bài, ảnh: Song Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết