Đông Nam Á có thể giảm tăng trưởng do Omicron
Kịch bản giảm tăng trưởng có thể xảy ra nếu Omicron làm gián đoạn cung và cầu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong 6 tháng.
Sự hoành hành của biến thể Omicron tác động xấu đến đà tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: NBC/Báo Điện tử Chính phủ
Nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, đại dịch đã khiến thêm 4,7 triệu người ghi tên mình vào tình trạng nghèo cùng cực ở Đông Nam Á vào năm 2021, làm đảo ngược những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo của khu vực. Trước tình hình này, ADB lên tiếng thúc giục chính phủ các nước triển khai những bước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, người nghèo cùng cực được định nghĩa là những người sống dưới 1,9 USD/ngày. Con số này ghi nhận vào năm 2021 là 24,3 triệu người, tương đương 3,7% trong tổng số 650 triệu dân của Đông Nam Á.
Trước đại dịch, dữ liệu về số người rơi vào cảnh nghèo cùng cực ở Đông Nam Á đã giảm xuống, với chỉ 14,9 triệu người trong năm 2019, giảm sâu so với mức 18 triệu người nghèo cùng cực của năm 2018 và 21,2 triệu người ghi nhận trong năm 2017.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và mức độ nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người già ở Đông Nam Á”.
Từ đó, ông Masatsugu Asakawa kêu gọi chính phủ các nước cải thiện hệ thống y tế, hợp lý hóa các quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng công nghệ để tăng tốc độ tăng trưởng.
Trong một thông tin có liên quan, ADB cho biết trong năm 2021, Đông Nam Á chỉ có ít hơn 9,3 triệu lao động do đại dịch COVID-19 hạn chế hoạt động kinh tế, khiến hàng triệu người không có việc làm.
Tăng trưởng của khu vực có thể sẽ giảm
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 5,1% vào năm 2022. Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Omicron có thể sẽ khiến dự đoán tăng trưởng của khu vực giảm đến 0,8% so với ước tính trước đây.
Kịch bản giảm tăng trưởng có thể xảy ra nếu Omicron làm gián đoạn cung và cầu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong 6 tháng. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Lào là những thị trường dễ bị tổn thương nhất.
Tác động khác nhau của Omicron đối với dự báo tăng trưởng dao động, khiến nền kinh tế Việt Nam giảm 1,9%; 1,1% đối với nền kinh tế Thái Lan, trong khi với nền kinh tế Singapore chỉ giảm 0,2% nếu số ca nhiễm Omicron tăng đột biến trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế chính của ADB James Villafuerte cho biết, tác động giảm tăng trưởng ở Đông Nam Á xảy ra khi tình hình chính trị căng thẳng khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm từ 0,2% đến 0,5% vào năm 2022. Tuy nhiên điều đó sẽ không lớn. Song cả chuyên gia kinh tế James Villafuerte và Tổng vụ trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á của ADB Ramesh Subramaniam đều nhấn mạnh rằng tác động chính của khu vực sẽ bắt nguồn từ vấn đề lạm phát.
Mặt khác, Tổng vụ trưởng Ramesh Subramaniam cũng cho biết thêm rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, con đường phục hồi kinh tế trong khu vực là không đồng đều. Cụ thể: “Các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, hoặc phần lớn là dựa vào lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục phải đấu tranh”.
Sự khác biệt này có thể làm xói mòn những nỗ lực của các quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chưa dừng lại tại đó, so với đường cơ sở nếu không có đại dịch COVID-19, sản lượng kinh tế của khu vực có thể sẽ giảm 10,3% vào năm 2022.
Tuy nhiên, ADB vẫn dự báo “có 2 kịch bản tăng trưởng khác nhau”, với triển vọng tốt hơn cho các quốc gia như Singapore, Philippines, Malaysia và Indonesia. Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia và Lào ít có khả năng đạt triển vọng tốt, do các yếu tố như sự phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào lĩnh vực du lịch.
Vết sẹo lâu dài đối với nền kinh tế và thị trường lao động vẫn là mối đe dọa về hậu quả của đại dịch, nhất là khi bản báo cáo cho thấy rằng các lĩnh vực có sử dụng nhiều việc làm như du lịch sẽ cần phải có một khoảng thời gian để phục hồi. Về mặt sáng, báo cáo chỉ ra rằng tiến trình cải cách chính sách hiện đang diễn ra vẫn mang lại hiệu quả tốt cho đầu tư và việc làm.
Để cải thiện hệ thống chính sách và xã hội ở Đông Nam Á, ADB đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách ưu tiên triển khai những cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Các biện pháp như vậy có thể bao gồm kế hoạch tạo việc làm mới – đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp cũng có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và đào tạo lao động.
ADB cho biết thêm, những kế hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ cần thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và áp dụng triển khai hạn chế đối với các hoạt động công nghiệp sử dụng nhiều Carbon.
Đan Lê (Lược dịch từ Straitstimes & The Business Times)