Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm thiểu rủi ro giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị

Việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình quản lý giải phóng mặt bằng của dự án metro đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, đặc biệt là giữa Ban Quản lý dự án và Ủy ban Nhân dân địa phương.

Thiếu phối hợp giữa Ban quản lý dự án và UBND địa phương

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng…; Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng.

Giảm thiểu rủi ro giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại hội thảo

Tại phiên chuyên đề giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD, trong khuôn khổ hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 18/1, Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), luật sư LNT & Partners đã chia sẻ về các rủi ro chậm trễ phát triển dự án metro từ công tác chuẩn bị mặt bằng, di chuyển các công trình tiện ích, thực trạng và giải pháp.

Theo Luật sư Lê Nết, chuẩn bị mặt bằng là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình phát triển dự án metro. Không cung cấp được mặt bằng sạch trước khi thực hiện dự án không những ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành dự án mà còn khiến chủ đầu tư, nhà nước phải gánh chịu hậu quả vật chất do việc kéo dài thời gian thực hiện gây ra cho các nhà thầu tham gia thực hiện dự án.

"Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi tại các vụ kiện trọng tài trong và ngoài nước, khiếu nại của nhà thầu chống lại chủ đầu tư phần lớn là những khiếu nại liên quan đến vấn đề mặt bằng thi công và việc dọn dẹp tiện ích", Luật sư Lê Nết thông tin.

Giảm thiểu rủi ro giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị

Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) tham luận tại hội thảo

Luật sư Lê Nết cho rằng, các quy định hiện nay của Luât Quy hoạch chưa xem xét đến việc thực hiện dự án TOD có thể gây cản trở tới vấn đề GPMB. Do đó nếu không có một cơ chế riêng, linh hoạt đối với dự án TOD được phản ánh trong Luật Quy hoạch sẽ khó tìm ra giải pháp đạt được tiến độ hoàn thành GPMB trong thời hạn yêu cầu.

“Chúng tôi đề nghị đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần có cơ chế rút gọn và linh hoạt trong quá trình lập quy hoạch. Các quy hoạch chung (mang tính ý tưởng) đã được HĐND TP phê duyệt thì UBND TP có nghĩa vụ thi hành và có quyền điều chỉnh bổ sung quy hoạch linh động nhằm mục đích đạt được mục tiêu dự án mà HĐND TP đã đề ra. Các vấn đề về độ cao công trình, hệ số sử dụng… phụ thuộc vào quy hoạch chung và thiết kế, khi cần có thể thay đổi tỷ lệ giữa mật độ thương mại và mật độ chung cư… sao cho vẫn hài hòa với kiến trúc và khả năng sử dụng đất”, Luật sư Lê Nết đề xuất.

Thực tế, nguyên nhân chậm trễ giải phóng mặt bằng không chỉ do cơ chế mà còn do con người. Sự thiếu phối hợp giữa BQLDA và UBND địa phương có thể dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên BQLDA thì không thể “chỉ đạo” UBND địa phương được mà chỉ có thể tham mưu cho chính quyền thành phố chỉ đạo. Hay nói cách khác, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì dự án mới đi nhanh được.

"Bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát kịp thời của chính quyền, cần tăng cường giao tiếp và hợp tác chặt chẽ giữa BQLDA và UBND thông qua các cuộc họp định kỳ, đào tạo cán bộ và cung cấp thông tin đầy đủ về dự án.

Nếu không làm được việc này, việc không thống nhất về giá bồi thường có thể dẫn đến tranh chấp và phức tạp hóa quá trình lập kế hoạch bồi thường, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ngoài ra, cần thực hiện cuộc thảo luận mở với cộng đồng để thu thập ý kiến và đề xuất giải pháp công bằng, xây dựng quy trình thương lượng minh bạch để đạt được sự đồng thuận", Luật sư Lê Nết nêu quan điểm.

Tạo điều kiện có lợi nhất cho người dân khi nhận đất bồi thường

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khó khăn nhất khi triển khai các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có những điều khoản liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Ảnh hưởng của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được coi là điểm mới trong nhóm các quy định về tiếp cận đất đai để phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội.

Giảm thiểu rủi ro giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị

Quang cảnh hội thảo

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã có đề án liên quan đến việc bồi thường đất định cư khi giải phóng mặt bằng bằng loại đất khác. Qua tính toán của Sở thì khả năng tiết giảm kinh phí bồi thường của các dự án là rất lớn. Tuy nhiên để người dân đồng thuận cao thì cần phải có cơ chế, tạo điều kiện có lợi nhất cho người dân khi nhận đất bồi thường.

Kết luận hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận về kinh nghiệm thực hiện công tác giải phòng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4; ý nghĩa từ việc phát triển Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) liên quan đến sự cần thiết của các quy định phát triển ngầm; các cơ chế chuyển dịch đất đai để nâng cấp đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng...

"Trên cơ sở các nội dung thảo luận và ý kiến đề xuất các giải pháp, sau khi kết thúc hội thảo, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp gửi các cơ quan có liên quan để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển đường sắt đô thị trong thời gian tới", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật