Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hấp lực từ lập sàn mua bán tín chỉ carbon

Phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ biến tín dụng xanh thành nguồn tài chính quan trọng cho ngân hàng trong việc phát triển bền vững. Và bài toán lập sàn mua bán tín chỉ carbon nếu được các ngân hàng hỗ trợ sẽ thúc đẩy thị trường tín dụng xanh sôi động.

Khi đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng ảnh hưởng đến môi trường thì khái niệm "tín dụng xanh" đang dần trở nên được phổ biến và nhận nhiều sự quan tâm của người dân, các doanh nghiệp và ngân hàng. Tín dụng xanh được coi là giải pháp quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thực tế những năm trở lại đây, các ngân hàng đều thể hiện việc tăng cường thúc đẩy tín dụng xanh song theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá non trẻ?

Chia sẻ tại tọa đàm "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững" vào sáng 2/10, ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng.

“Tôi nghĩ con số hợp lý với thực tế nhưng tăng trưởng hàng năm tăng trưởng đều đều, hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông Nguyện nhấn mạnh.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp - ngân hàng HDBank chia sẻ, HDBank xem tín dụng xanh là một trong những chiến lược phát triển. Năm 2022, HDBank giải ngân 11.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh. Con số này tuy khiêm tốn so với toàn ngành nhưng đã là cố gắng của HDBank.

-2764-1696222315.jpg

Doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng quan tâm đến tín dụng xanh, như một cách để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xanh.

Có một số doanh nghiệp xuất khẩu, bán hàng sang châu Âu, Mỹ…, đối tác yêu cầu nhà sản xuất phải xanh, sản phẩm phải bền vững. Đây trở thành đòi hỏi, yêu cầu với giao thương toàn cầu.

Ông Phương cho rằng, tín dụng xanh là lĩnh vực khá mới, nhiều doanh nghiệp đã có nhu cầu tiếp cận tín dụng xanh, nên ngân hàng cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện dần trong việc ra các giải pháp tín dụng xanh phù hợp cho các đơn vị.

“Doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng quan tâm đến tín dụng xanh, như một cách để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xanh, nên theo tôi, xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai”, ông Phương cho hay.

Tuy nhiên, dù Việt Nam đã có những tín hiệu nhất định trong tăng trưởng tín dụng xanh, song thị trường tín dụng xanh ở Việt Nam được đánh giá còn khá non trẻ. Theo đó, vị đại diện HDBank cho rằng, lĩnh vực tín dụng xanh cũng đối mặt nhiều thách thức như: một số doanh nghiệp tìm đến tín dụng xanh còn non trẻ, chưa tạo nhiều dấu ấn, thành tựu rõ nét, nên ngân hàng thường cân nhắc kỹ lưỡng hơn, trước khi quyết định cho vay.

TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng tín dụng xanh không chỉ mới ở Việt Nam mà với cả thế giới. Câu chuyện trái đất ấm dần lên, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hệ quả thời gian qua, dấy lên chủ đề phát triển bền vững, thay đổi ý thức người dân toàn cầu, bởi những việc chúng ta làm hôm nay, thế hệ sau sẽ phải gánh chịu.

Giới trẻ Việt Nam cũng dần hình thành ý thức sống xanh, nhưng thói quen tiêu dùng của đa số người tiêu dùng khi mua hàng, vẫn chưa đặt câu hỏi "sản phẩm mình định mua có yếu tố xanh, thân thiện môi trường không?"

Sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh

Ngoài ra, nguồn lực chính cho tín dụng xanh của các ngân hàng dựa phần nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế…, song chỉ là nguồn lực bên ngoài và có vai trò trong giai đoạn đầu. Theo đó, chia sẻ về giải pháp thúc tín dụng xanh, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, chúng ta không thể trông chờ hết vào ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, mà cần các bên khác tham gia, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa.

“Ví dụ: trái phiếu xanh hiện khá mới mẻ ở Việt Nam, thời gian tới, theo tôi, cần giải pháp thúc đẩy thị trường này để thu hút nguồn vốn dân cư trong nước, lẫn nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thành nguồn vốn trung dài hạn cho dự án đầu tư xanh”, ông Huân nói.

Những sản phẩm về tín dụng xanh, tài chính xanh ở Việt Nam khá sơ khai, mới mẻ. Hiện có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam, vị chuyên gia nghĩ rằng, chúng ta nên tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để triển khai sản phẩm ở Việt Nam, nhất là trái phiếu xanh, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh.

Thời gian tới, ông Huân cho rằng, chúng ta nên phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, dự kiến cực kỳ sôi động. Tuy nhiên, để làm được thì cần nhiều bên tham gia, nghiên cứu kỹ. Hiện Chính phủ giao các bộ ngành xem xét xây dựng thị trường này.

Các ngân hàng cần nghiên cứu thị trường này để có chiến lược thời gian tới, nên đầu tư thế nào, hỗ trợ mua bán tín chỉ carbon ra sao cho phù hợp… qua đó giúp thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển xanh.

Để vốn cho tăng trưởng xanh phát triển mạnh hơn trong tương lai và để biến tín dụng xanh thành "mỏ vàng" cho ngành ngân hàng phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Nguyện khẳng định yếu tố pháp lý rất quan trọng. "Đó là chỗ dựa vững chắc nhất và hoàn thiện trong quá trình triển khai, bằng cách tổng hợp, đúc kết các khó khăn, vướng mắc rồi ban hành những văn bản mới theo hướng thực tiễn để lĩnh vực này phát triển vững chắc”, ông Nguyện nói

Ông Nguyện đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường để có nguồn tài chính. Cách đây 3 ngày, Việt Nam vừa nhận hơn 41 triệu USD đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Nếu có sàn này, thị trường sẽ sôi động và lượng giao dịch sẽ tốt hơn. Và từ nguồn mình bán được, sẽ đầu tư lại, có nguồn bền vững. Tiềm năng mình nhiều nhưng chưa có sàn giao dịch và giá tín chỉ carbon của chúng ta còn thấp. Giá tại Việt Nam thấp nhất 10 USD/chứng chỉ, nước ngoài giá cao hơn”, ông Nguyện phân tích.

Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất phát hành tín phiếu xanh để huy động trên thị trường quốc tế. “Các nước phát triển cũng phải có nghĩa vụ với các nước đang phát triển. Mình phải có những dự án cho họ đủ điều kiện. Cũng nên có một hiệp hội tăng trưởng xanh, để trong quá trình triển khai thì cùng nhau trao đổi vướng mắc, khó khăn để phản ánh với chính quyền địa phương hay cao hơn nữa là Chính phủ”, ông Nguyện gợi ý.

Theo dự thảo đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thị trường carbon sẽ vận hành theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm" phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon.

Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai.

Thanh Hồng


Tác giả: Tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá non trẻ?
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết