Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả giảm nghèo bền vững từ thuần hóa cây Sơn Tra

Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi, giờ đây cây Sơn tra đã trở thành một cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đến nay nhiều HTX đã biến cây Sơn tra trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, Sơn Tra là loại cây từng mọc hoang trong rừng và mấy chục năm nay đã trở thành cây thu nhập chính cho nhiều hộ đồng bào vùng cao. Thậm chí, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn coi sơn tra là cây giảm nghèo.

Lợi ích kép từ trồng cây Sơn Tra

Đặc biệt, việc tham gia HTX góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa nghèo bền vững.

-5169-1664156813.jpg

Nhiều HTX đã biến cây Sơn tra trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.

“Ngoài ra, khi tham gia các HTX, người dân, HTX được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới phục vụ phát triển sản xuất”, ông Cường bày tỏ.

Với ý nghĩ liên kết người dân sản xuất, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con từ cây Sơn Tra, năm 2017, Thào A Hồng đã đứng ra vận động anh em, người dân trong bản thành lập HTX Nặm Búa, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Ban đầu HTX có 10 thành viên, chủ yếu là các thanh niên mới tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học, có sức trẻ, sự nhạy bén trong tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Đến nay, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, HTX đã biến cây sơn tra trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng cao. Từ hiệu quả thực tế, HTX đã thu hút ngày càng nhiều bà con tham gia, hiện HTX đã có 125 thành viên, với tổng vốn góp trên 3,9 tỷ đồng.

Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX Nặm Búa được lựa chọn là đơn vị cung ứng giống, thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 của xã, được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hằng năm, HTX đạt doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/năm, thu nhập của thành viên bình quân 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức tiền công từ 4,5 triệu đồng người/tháng trở lên, những thành viên đầu tiên tham gia HTX hiện đã thoát nghèo.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi với công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và HTX Thanh Sơn (huyện Mai Sơn) nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Anh Lầu A Hử, thành viên HTX cho biết, với diện tích 10 ha. Trước đây, mỗi năm Lầu A Hử chỉ thu được 15 tấn quả. Từ khi vào HTX, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, nay năng suất tăng lên gần gấp 3 lần và toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu. Nhờ được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, hiện thu nhập từ Sơn Tra của gia đình anh hơn 100 triệu đồng/năm, đã giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững.

Là cây trồng chủ lực trong phát triển KT-XH

Tại tỉnh Yên Bái, cây Sơn Tra đang trở thành một trong những cây trồng chính, đem lại thu nhập lớn góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững từ cây Sơn Tra, tỉnh đã trồng mới được 6.200 ha sơn tra, diện tích Sơn Tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn.

-7461-1664156814.jpg

Các HTX trồng Sơn Tra đã góp phần ổn định kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ông Giang A Lu, Giám đốc HTX nông dân Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chia sẻ, được thành lập từ năm 2019, đến nay, HTX đã trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập, cũng như hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho nông dân.

Các hoạt động của HTX chủ yếu là chăm sóc diện tích Sơn Tra đã trồng từ nhiều năm trước, hướng dẫn các thành viên kỹ thuật, tiếp cận các chính sách của tỉnh, huyện.

“Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ cải tạo giống sơn tra chất lượng cao, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để HTX thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh”, GĐ HTX nông dân Mù Cang Chải cho hay.

Ông Sùng A Sào, trú tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chia sẻ, nhà ông có 9 ha trồng sơn tra, mỗi năm thu về 180 triệu đồng. Riêng năm nay, nhờ chăm sóc tốt nên gia đình ông thu về 300 triệu đồng từ bán quả sơn tra. Cùng bản còn có anh Giàng A Chu, từ 5 ha có năm được mùa, nhà anh thu về 200 triệu đồng từ quả sơn tra.

Còn anh Thào A Chinh, huyện Mù Cang Chải cho biết, mấy năm nay, giá bán quả sơn tra tương đối ổn định nên bà con rất mừng. Hiện, gia đình anh có 8 ha Sơn Tra, mỗi năm thu về 150 triệu đồng từ bán quả. Nhờ trồng Sơn Tra, gia đình cải thiện được phần nào đời sống nên tôi dự định sẽ trồng thêm ở những diện tích đất còn trống.

Đánh giá về việc phát triển cây Sơn Tra ở Mù Cang Chải, ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện cho hay, việc triển khai hiệu quả các đề án đối với cây Sơn Tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế từ cây Sơn Tra trong đồng bào các dân tộc.

Trước đây, người dân chủ yếu là thu hái tự nhiên thì nay đã trồng, bảo vệ và phát triển hiệu quả. “Các HTX trồng và tiêu thụ cây Sơn Tra không chỉ đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần ổn định kinh tế, xã hội ở địa phương”, ông Phạm Tiến Lâm nói.

Kim Yến


Tác giả: Lợi ích kép từ trồng cây Sơn Tra
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết