Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới "5 dễ" cho công dân trong thực hiện thủ tục hành chính

Cần nghiên cứu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC) và chú trọng đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết TTHC, công khai minh bạch hướng tới “5 dễ” cho công dân. Một người dân thực hiện TTHC được dễ dàng thì sẽ tạo lan tỏa rộng rãi đến nhiều người khác.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội” do UBND TP Hà Nội chủ trì tổ chức sáng nay (13/12).

Hướng tới

Quang cảnh hội thảo

Tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân

Tại Hội thảo, phân tích về kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP Việt Nam cho hay: Chỉ số tổng hợp PAPI năm 2022 của Hà Nội đạt 43,9 điểm, thuộc nhóm đạt điểm “cao”, trong đó các chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch” thuộc nhóm “cao”; các chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị điện tử” thuộc nhóm “trung bình - cao”. Tuy nhiên, các chỉ số “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị môi trường” còn thuộc nhóm “trung bình - thấp” và “thấp”.

Bà Đỗ Thanh Huyền cho rằng TP cần xác định những điểm còn yếu kém, sụt giảm đáng kể qua 2 năm 2021-2022, để lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên cần tập trung những giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Bên cạnh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực công, TP và các cơ quan, đơn vị cần tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải thích cụ thể những vướng mắc tồn tại; thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến với sự tham gia chủ động, tích cực của người dân thông qua đưa dịch vụ đến họ, nhất là người dân nơi xa trung tâm xã tại khu vực nông thôn.

“Cũng rất cần nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát xả thải trực tiếp vào nguồn nước mặt, nước ngầm, trực tiếp vào không khí; quan tâm đầu tư tu sửa công trình công cộng nhất là đường xá đang xuống cấp, cùng với đầu tư xây mới trường tiểu học công lập, chấn chỉnh đạo đức công vụ của đội ngũ giáo viên các trường tiểu học công lập”- chuyên gia này đề xuất.

Hướng tới

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo

Đánh giá về Chỉ số SIPAS của TP, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, chỉ số này của TP đạt khá cao, được cải thiện qua từng năm 2020 - 2022, trong đó năm 2022 tại khối sở và khối huyện đều đạt trên 90%. Tuy nhiên, dù SIPAS của TP đạt cao nhưng chưa có sự ổn định, đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Kết quả khảo sát chỉ số này hằng năm tại một số đơn vị vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát thực trạng và chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Nhà nước, cũng như sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC.

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan đến tiếp cận dịch vụ, TTHC, công chức giải quyết TTHC, kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Đặc biệt, các cơ quan đơn vị rất cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và mở rộng các hình thức thông tin để người dân, tổ chức biết về cơ quan tiếp nhận, giải quyết TTHC một cách dễ dàng tại trụ sở cơ quan, trên cổng/trang thông tin điện tử.

“Cùng với nghiêm túc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa những TTHC rườm rà, phức tạp, tránh tình trạng công chức giải quyết tự ý đòi bổ sung những giấy tờ khác ngoài quy định, cần tăng tần suất kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, nhất là tại cấp xã, nhằm chấn chỉnh kỷ cương hành chính và xử lý ngay những trường hợp vi phạm về thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy giờ giấc làm việc, nhất là xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức đòi hỏi giấy tờ sai quy định, tự đặt thêm khâu công việc, nhũng nhiễu, tiêu cực”- ông Lê Ngọc Anh đề nghị.

Đặc thù ở Thủ đô là người dân “khó hài lòng hơn”

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng đánh giá, các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, quyết tâm cải thiện nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đang lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ quan hành chính, các cấp, ngành của TP đến từng người dân. Các cơ quan, đơn vị đều đưa ra những giải pháp riêng, song đều đặt ra trọng trách cho đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô về nâng cao đạo đức công vụ, chấp hành kỷ cương hành chính và kỹ năng hành chính.

Hướng tới

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với một số ý kiến cho rằng sự hài lòng của người dân phụ thuộc nhiều yếu tố và thực tế ở các địa bàn nông thôn, thành thị là khác nhau, song ông Phạm Minh Hùng đề nghị bản thân các cơ quan hành chính Nhà nước TP trước tiên phải xác định nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tổ chức tốt việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Chất lượng phục vụ người dân thể hiện trước hết ở chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách quan trọng liên quan mật thiết đời sống người dân, trong đó TP cần chấp nhận những yếu tố thuận lợi và khó khăn mang tính tự nhiên, đặc thù ở Thủ đô, người dân “khó hài lòng hơn” ở các địa phương khác để nâng cao chất lượng công tác này”- ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh.

Song song đó, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính đề nghị TP nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính công, mở rộng kênh tương tác giữa người dân và chính quyền; tăng cường thông tin tuyên truyền, trong đó tuyên truyền ngay trong đội ngũ để nâng cao thái độ tinh thần phục vụ, tuyên truyền trong người dân để nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng chính quyền, có sự đánh giá khách quan công bằng đối với các cơ quan hành chính.

“Khi đã có kết quả khảo sát, các cơ quan đơn vị cần có những giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế và duy trì, phát huy những chỉ số được đánh giá cao; phản hồi, giải quyết tốt những phản ánh kiến nghị của người dân, bởi đây là kênh quan trọng giúp TP bổ sung, điều chỉnh những chính sách cho phù hợp”- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính nêu rõ.

Hướng tới

Đại diện các Sở, ban, ngành, cơ quan chính quyền các cấp của TP Hà Nội tham gia thảo luận

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh: Nền hành chính Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập và phục vụ, hướng tới xây dựng “Chính phủ số”, "Thành phố thông minh".

Dù vậy, vẫn còn một số nội dung mà sự hài lòng, mong muốn của người dân cần được các cấp, ngành TP tập trung quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn và có những giải pháp hiệu quả cùng lộ trình triển khai cụ thể, nhất là trong những lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp, ngành toàn TP tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, hiệu quả, trong đó ưu tiên những nội dung người dân, tổ chức quan tâm, kỳ vọng sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền.

Đặc biệt, cần đảm bảo sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền; tập trung rà soát, đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kênh phản ánh, kiến nghị để nâng cao sự hài lòng của người dân.

Hướng tới

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải tiếp thu các ý kiến đại biểu

“ Cần cá thể hóa trách nhiệm đến từng lãnh đạo cấp phòng, cấp xã, đến từng cán bộ, công chức, viên chức; tăng phân cấp ủy quyền, trao quyền, giảm thẩm quyền chung và tăng thẩm quyền riêng, để phát huy sức sáng tạo của các cá nhân. Đặc biệt, TP cần nghiên cứu cắt giảm tối đa TTHC và chú trọng đơn giản hóa, tối ưu hóa, số hóa các quy trình giải quyết TTHC, công khai minh bạch hướng tới “5 dễ” cho công dân (dễ tìm, dễ xem, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp ý). Một người dân thực hiện TTHC được dễ dàng thì sẽ tạo lan tỏa rộng rãi đến nhiều người khác”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc quan trọng nhất đối với TP để nâng cao sự hài lòng của người dân hiện nay là phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền số hơn nữa, khi đó các điểm nghẽn sẽ được xử lý. Đồng thời, chú trọng hơn tới yếu tố con người. Cán bộ công chức TP cần hiểu rõ sứ mệnh của mình để thực hiện tốt 3 nguyên tắc là tự tôn pháp luật, luôn lắng nghe và có thái độ cầu thị, phục vụ tốt; đồng thời hướng tới các mục tiêu gồm nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, sản phẩm cụ thể…

“Làm được những điều này, chắc chắn Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu luôn tiên phong trong đổi mới cải cách hành chính và chuyển đổi số; các cơ quan chính quyền TP sẽ đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi và ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Khải khẳng định.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết