Kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu
Hội nghị kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022 diễn ra sáng 21/9 được tổ chức trực tiếp tại Thái Bình và kết nối trực tuyến với 18 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước và 19 điểm cầu tại nước ngoài.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Tham dự hội nghị tại Thái Bình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Lào Khăm Pheng Xay Xổm Pheng.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ… tham dự.
Hiện, Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ngoài có mặt ở các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn và một số sàn thương mại điện tử, Thái Bình có 18 sản phẩm xuất khẩu đi các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Australia, New Zealand... và những nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ cho 90 sản phẩm tiêu biểu của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất của tỉnh; đồng thời mong muốn, thông qua hội nghị, những sản phẩm của tỉnh sẽ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong, ngoài nước, từ đó, giúp Thái Bình tiếp nhận nhiều hơn thông tin thị trường, nhu cầu trong nước, thế giới nhằm định hướng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện thu nhập, giúp người nông dân giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp bền vững.
Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới tiếp tục khó khăn với nhiều diễn biến phức tạp, vậy nên, không riêng Thái Bình mà các tỉnh, thành, Bộ, ngành nói chung phải nỗ lực, chủ động hơn nữa trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước, quốc tế theo hướng gắn với xúc tiến đầu tư; xúc tiến xuất khẩu gắn với xúc tiến nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; tận dụng cơ hội đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm…
Clip đại diện các sở, ngành hữu quan Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình
“Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội, ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Thái Bình và các địa phương nên thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm tiêu biểu theo hướng gắn chặt với các "đại sứ" là những hiệp hội, người địa phương đang công tác trên mọi miền Tổ quốc, thế giới và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao.
Dịp này, Thái Bình đã tổ chức Lễ khởi động chương trình đưa hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh vào hệ thống phân phối; lễ ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa/biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối; ký kết thỏa thuận đưa các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá, đây là một trong những hội nghị trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc.
Ngoài là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà phân phối, nhập khẩu, người tiêu dùng…, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hội nghị còn là nơi cung cấp thông tin, giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, khai thác sâu thị trường xuất khẩu, nhất là mở đường cho việc đưa hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
“Việc hỗ trợ Thái Bình tổ chức hội nghị trực tuyến sẽ giúp đơn vị có thêm kinh nghiệm trong tổ chức các hội nghị tương tự có quy mô lớn, góp phần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần đưa KT - XH của Thừa Thiên Huế phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Sơn cho hay.
Hàn Đăng (thực hiện)