Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lâm Đồng: Phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa

Công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của dân tộc.

Thực hiện hiệu quả, thiết thực các văn bản

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tổ chức như: công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy di sản cũng như giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa; công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.

Việc phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ quản lý di sản đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở; đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền địa phương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được phổ biến và triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên cập nhật, bổ sung và ban hành bộ thủ tục hành chính trên lĩnh vực văn hóa, trong đó có thủ tục hành chính về di sản văn hóa.

Tỉnh Lâm Đồng có nhiều di tích văn hóa lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể cũng rất da dạng.
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều di tích văn hóa lịch sử, đồng thời các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể cũng rất da dạng.

Trong đó, về lĩnh vực văn hóa vật thể, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện công tác xã hội hóa việc đầu tư, trùng tu, bảo quản và phát huy giá trị các di tích; trong đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đầu tư, quản lý, khai thác và phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương và cộng đồng khu dân cư quản lý và khai thác di tích các cấp. Qua đó, các đơn vị được giao quản lý và khai thác di tích đã thực hiện đầu tư, trùng tu, nâng cấp, bảo tồn di tích gắn với phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch, dịch vụ đặc trưng, phù hợp với quy định pháp luật về di sản văn hóa và quy hoạch của địa phương.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và bảo vệ.

Thúc đẩy hiệu quả các hoạt động bảo tồn

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong công tác xây dựng, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực văn hóa; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Về vấn đề huy động, quản lý, sử dụng kinh phí để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với các di tích được giao cho các doanh nghiệp quản lý, các doanh nghiệp được giao đã chủ động đầu tư, tôn tạo cảnh quan; đầu tư các sản phẩm, loại hình du lịch mới theo định hướng chung của tỉnh.

Còn đối với các di tích Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, hàng năm, trên cơ sở nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư cho công tác tu bổ, phát huy thì Ngành còn chỉ đạo đơn vị được giao trực tiếp quản lý là Bảo tàng Lâm Đồng xây dựng dự toán kinh hàng năm để thực hiện công tác nâng cấp, cải tạo, sưu tầm bổ sung hiện vật; chống xuống cấp các hạng mục công trình của các di tích. Ngoài ra, đối với các di tích cấp tỉnh, chủ yếu là Đình, Đền được giao cho các địa phương quản lý đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, đảng chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân trong công tác trùng tu, nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu chiêm bái của nhân dân tại cơ sở.

Lâm Đồng: Phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa
Công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm.

Tỉnh Lâm Đồng xác định mục tiêu chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa đồng bộ với quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập vào cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế tại Việt nam; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.

Đến nay, Lâm Đồng có quan hệ với 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nước: Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Đức, Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... và 12 tổ chức quốc tế; thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 6 địa phương nước ngoài, mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác để tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước trên thế giới và khu vực.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết