Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Trường hợp nào bị hủy bỏ quyết định khen thưởng?

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”

Sáng ngày 27/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Trường hợp nào bị hủy bỏ quyết định khen thưởng?
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng với 08 nhóm điểm mới

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế với 08 nhóm điểm mới.

Cụ thể, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

Bên cạnh đó, đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến).

Đồng thời, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Điểm mới cuối cùng là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Trường hợp nào bị hủy bỏ quyết định khen thưởng?
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại các khoản 3,4 và 6 Điều 93 chưa thực sự thống nhất về tiêu chuẩn xem xét tước danh hiệu vinh dự nhà nước nên đề nghị rà soát, nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính công bằng, đáp ứng yêu cầu, mục đích của công tác thi đua, khen thưởng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh nêu, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể được khen thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Đồng thời, quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, bổ sung trường hợp cá nhân không còn xứng đáng hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức, gây ảnh hưởng xấu và bị dư luận xã hội lên án thì bị thu hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thu hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước cần có căn cứ cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và thượng tôn pháp luật. Các khoản 3, 4, 5 và 6 đã quy định cụ thể các trường hợp, căn cứ để tước danh hiệu Nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết