Mang mùa xuân ấm áp lên vùng cao Trạm Tấu
Trong cái rét ngọt mùa giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng sớm 17/1, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, tổ chức chương trình Xuân tình nguyện - Tết yêu thương, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Tiếp sức” những mầm xanh
Chia sẻ về chương trình Xuân tình nguyện - Tết yêu thương 2025, Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô bày tỏ: Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao, góp phần giúp đỡ đồng bào khó khăn, tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Qua hoạt động này, Báo Tuổi trẻ Thủ đô mong muốn góp phần san sẻ khó khăn, động viên các em học sinh vùng cao vươn lên trong học tập. Đồng thời, chương trình cũng nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại chương trình |
"Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước", chúng tôi hi vọng những món quà nhỏ sẽ mang đến một mùa Xuân yêu thương cho 591 em học sinh cùng 36 giáo viên ở đây. Trong thời gian tới, Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng với các đơn vị đồng hành sẽ tiếp tục kêu gọi và đồng hành cùng tỉnh Yên Bái để có thêm nhiều công trình nữa, nối gần Yên Bái với Thủ đô Hà Nội", nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng chia sẻ.
Em Mùa Yên Chi, học sinh lớp 1A, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu, là một cô bé người Mông, sống ở bản nhỏ thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Gia đình em ở trên sườn đồi, đường đi lại khó khăn. Để đến trường, em phải băng qua những con suối, ngọn đồi. Mùa mưa, đường trơn trượt, mùa nắng thì bụi bặm.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao biển tượng trưng kinh phí tặng quà tại huyện Trạm Tấu, Yên Bái |
Bởi vậy, Yên Chi học và ở bán trú tại trường với các thầy cô giáo. Cô bé rất thích đi học; thích nghe cô giáo kể chuyện, thích được tô màu và chơi với bạn bè...
Gia đình em rất nghèo, không có điều kiện mua sắm nhiều thứ như các bạn dưới miền xuôi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cô bé vẫn luôn cố gắng học tập. Cô bé ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo để dạy chữ cho các bạn nhỏ ở bản. Câu chuyện của Yên Chi là câu chuyện của rất nhiều học sinh vùng cao nơi đây. Bởi thế, khi có chương trình trao tặng quà của Báo Tuổi trẻ, cô bé rất vui, háo hức.
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao tivi tặng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu |
Những món quà được Báo trao tặng sẽ giúp cô bé Yên Chi, cũng như các em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu có thêm động lực để viết tiếp những ước mơ phía trước.
Tại chương trình, Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các đơn vị đồng hành trao tặng kinh phí xây dựng 5 nhà nhân ái cho người dân khó khăn, 1 chiếc tivi cho nhà trường và 20 suất học bổng cho học sinh khó khăn, trị giá 300 triệu đồng và hàng nghìn suất quà là vở, bút, cặp, đồ dùng học tập và bánh kẹo...
Những món quà ý nghĩa của Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các đơn vị đồng hành là động lực tiếp sức cho các hộ nghèo và học sinh vùng cao Trạm Tấu |
Những “người mẹ thứ hai” nơi rẻo cao
28 năm về trước, cô Nguyễn Thị Duân về công tác tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu. Cô Duân chia sẻ: "Rất nhiều các em nhỏ vùng cao bố mẹ không có đủ điều kiện để đưa con đến học, thậm chí có em còn phải đi bộ đi học, nên nhiều lúc không đến trường. Thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, nên tôi đã vận động phụ huynh cho con em đến trường, để được ăn học, như các bạn cùng trang lứa".
Các em nhỏ đón nhận những món quà từ Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu hiện có 12 lớp khối Tiểu học và 8 lớp khối Trung học cơ sở. Các em học sinh đều ăn ngủ, sinh hoạt tại trường và được các thầy cô yêu thương, chăm sóc bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ và cả tình thương của những người cha, người mẹ.
"Mỗi em học sinh ở trường đều có một hoàn cảnh khác nhau. Có những em bố mẹ đi làm xa, ở với ông bà. Hằng tuần, các em vẫn tự đi học và cuối tuần về thăm ông bà. Một em nhỏ lớp tôi đang dạy có bố mẹ em ly hôn, mẹ lấy chồng ở Lào Cai. Nên giáo viên chúng tôi phải như những người bạn, người anh, người chị... thường xuyên tâm sự, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, định hướng suy nghĩ và cả tư vấn tâm lý cho các em. Có vất vả nhưng đó là trách nhiệm, là niềm vui, là lựa chọn của các thầy cô. Được tiếp xúc với các em, tôi chỉ mong các em học tập tốt để sau có tương lai tốt đẹp hơn", cô Duân tâm sự.
Đoàn công tác cùng các em học sinh vùng cao |
Ông Nguyễn Thành Hưng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn trong việc dạy và học. Chúng tôi hi vọng cùng sự đồng hành của Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tỉnh đoàn Yên Bái, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, sẽ tiếp tục kết nối hỗ trợ huyện Trạm Tấu nói riêng và các địa phương khác nói chung". |
Cũng như cô Duân, ở trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu, người ta ví cô Hoàng Thị Kim Thoả như “người mẹ thứ hai” của nhiều thế hệ học sinh ở Trạm Tấu. Thời gian thấm thoắt, cũng đã 27 năm cô đã vào nghề, bám bản.
Nhìn nét cười, sự thân thiện của cô, ít ai nghĩ hành trình 27 năm gieo chữ nơi vùng cao này của cô lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian khó. Ngày trước, nhận quyết định về công tác tại bản Giàng, cô Thoả chẳng nghĩ đến điều gì ngoài khát khao được ươm những mầm xanh nơi vùng đồng bào dân tộc ít người, nơi con chữ vẫn còn là thứ khá xa lạ đối với nhiều người dân.
"Đường đến trường của các em vất vả, khó khăn lắm, nhất là trong mùa mưa bão. Nhiều em ở tận các bản xa trường trường đến hơn 10 cây số như thôn Mo Nhang, thôn Tấu Trên, Km10 của thôn Táu Dưới. Mỗi chiều Chủ nhật, các em được bố mẹ đưa xuống trường, ăn ở, học tập rồi cuối tuần mới đón về nhà. Do đó, mọi việc chăm sóc, dạy dỗ đều trông cả vào các thầy cô giáo", cô Thoả bày tỏ.
Cô Hoàng Thị Kim Thoả cùng học trò |
Gọi là ở bán trú nhưng mọi sinh hoạt, học tập, ăn nghỉ của các em không khác gì học sinh trường nội trú khác. Cũng chính vì vậy, công việc của các thầy giáo, cô giáo cũng vất vả hơn. Mỗi ngày, nhà trường phải cử một số giáo viên thay phiên trực, quản lý mọi việc sinh hoạt, học tập của các em.
“Chúng tôi phải dạy cho các em kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày, từ ăn cơm, học bài, vệ sinh cá nhân đến quần áo, giấc ngủ trở đi. Chính tình yêu con trẻ và trách nhiệm của nghề giáo đã giúp tôi cũng như các đồng nghiệp gắn bó với nghề", cô giáo vùng cao trải lòng.
Dịp này, các trường khối Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, Hà Nội đã gửi tới Báo Tuổi trẻ Tủ đô hàng nghìn suất quà là vở, bút, cặp, đồ dùng học tập trao tặng các em học sinh huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái |