Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng chạy đua hút khách bằng ‘chiêu’ kiếm tiền ngay cả khi chi tiêu

Thời gian gần đây, hoàn tiền khi chi tiêu qua thẻ tín dụng là một hình thức được nhiều ngân hàng áp dụng để cạnh tranh thu hút khách hàng, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của các ví điện tử.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng lên đến 75%; Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,59 tỷ giao dịch, tương đương 219,5 triệu tỷ đồng, tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị.

Xu thế thanh toán số đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, khi mua hàng tại các xe bán hàng rong, quán ăn vỉa hè đến các trung tâm thương mại khách hàng dễ dàng thanh toán bằng mã QR hay Internet Banking.

Phương thức thanh toán này càng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng sẽ được hoàn lại một phần tiền trên giá trị đơn hàng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể tích điểm tại thẻ tín dụng của mình, từ đó, họ có thể đổi điểm thành các voucher khuyến mãi, giảm giá trong những dịp cần thiết, tùy từng nhu cầu.

-5573-1693890559.jpg

Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,59 tỷ giao dịch, tương đương 219,5 triệu tỷ đồng, tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, mức chi tiêu hoàn tiền với thẻ tín dụng từ 5-10%. Chẳng hạn Sacombank Visa Platinum Cashback có mức hoàn tiền lên đến 7,2 triệu đồng/năm. Trong đó, hoàn 5% cho giao dịch chi tiêu online (bao gồm giao dịch trong và ngoài nước); hoàn 3% cho giao dịch chi tiêu tại nước ngoài qua máy chấp nhận thẻ (POS); hoàn 0,5% cho các giao dịch chi tiêu khác...

Tương tự, HSBC tung ra thẻ Visa Cashback có thể hoàn tiền 6% khi chi tiêu tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích, thêm 2% nếu nhận lương qua hệ thống này. Còn VIB áp dụng hoàn tiền không giới hạn số tiền, hoàn 0,5% cho số tiền chi tiêu tăng thêm từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu và xu hướng thanh toán của khách hàng, các nhà băng thiết kế các loại thẻ hoàn tiền với mục đích khác nhau như đi du lịch, mua sắm,… với hạn mức hoàn tiền khá đa dạng, một số thẻ đã cho phép hoàn tiền không giới hạn, một số thẻ giới hạn hoàn từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/tháng.

Theo ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển kinh doanh cá nhân - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank): Nếu được sử dụng thông minh, thẻ tín dụng khá hữu ích trong việc quản lý tài chính cá nhân, tạo đòn bẩy tài chính. Theo đó, chủ thẻ tín dụng có thể kiếm tiền ngay cả khi chi tiêu.

Cũng theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, khái niệm hoàn tiền ngày càng trở nên gần gũi với người mua hàng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khách hàng mua sắm trên các kênh thương mại điện tử hay người dùng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Tỷ lệ hoàn tiền phổ biến từ 5% với thẻ tín dụng và 2% với thẻ thanh toán, tuy nhiên, "tích tiểu thành đại" nếu có mức độ giao dịch thường xuyên và giá trị giao dịch cao thì số tiền hoàn mỗi tháng là một con số đáng kể.

Với những lợi ích rõ nét mà chính sách hoàn tiền mang lại, hình thức khuyến mại này đang được ứng dụng trên nhiều kênh thanh toán khác nhau. Thay vì chỉ có rộng rãi trên thẻ tín dụng, giờ đây hoàn tiền còn được áp dụng nhiều qua ví điện tử và thẻ thanh toán. Những công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua giành thị phần. Họ liên kết với các ngân hàng và những nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Sendo, Lazada, Amazon… Chỉ tính riêng tại Việt Nam đã có tới 5-7 ứng dụng thanh toán di động đang phát triển mạnh. Tiêu biểu là MoMo, ViettelPay, AirPay, ZaloPay và GrabPay.

Dự báo trong năm 2023, có khoảng 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Trong đó 72% muốn trải nghiệm hình thức thanh toán bằng Mobile Money, dịch vụ thanh toán di động. Vì vậy, các đơn vị trung gian thanh toán cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại để hút khách hàng như chi tiêu đổi thưởng. Ví dụ, dùng điểm tích luỹ từ ví điện tử để đổi lấy 1 chuyến bay mà mình mong muốn hay miễn phí phòng chờ thương gia trước khi cất cánh; Giảm đến 50% khi mua các dịch vụ ăn uống...

Ông Nguyễn Bình Minh, giảng viên ĐH Thương mại, Uỷ viên Hiệp hội TMĐT Việt Nam đánh giá: Hoạt động TMĐT càng phát triển nhanh thì số lượng giao dịch thanh toán điện tử càng tăng vọt. Với quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bùng nổ thì thanh toán số vẫn còn cơ hội để phát triển mạnh trong thời gian tới, sẽ xuất hiện thêm các công cụ thanh toán mới và các công cụ mới này không chiếm các “miếng bánh” mà các thị phần đang có mà chạm vào ngách đang còn khoảng trống, và không làm ảnh hưởng đến các thị phần đang có.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết