Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp hữu cơ không chất thải

Nông nghiệp hữu cơ ngày càng có vai trò quan trọng và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Điều này còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

HTX nông dân sản xuất nông sản hữu cơ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp ra thị trường sản phẩm rau, gạo, bột gạo… được sản xuất theo quy trình hữu cơ. HTX  cung ứng lúa giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… cho nông dân. Đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật để triển khai thực hiện và cam kết thu mua lại toàn bộ lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đưa sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng

Ông Kim Dương Liễu, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hiện nay, HTX đang triển khai mô hình phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng vật tư đầu vào 100% đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

-1555-1678334903.jpg

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống thành viên.

Dự kiến trong trong thời gian tới HTX, sẽ triển khai sản xuất 300 ha lúa hữu cơ. Mỗi năm 1 vụ lúa trên nền đất nuôi tôm của các hợp tác xã nông nghiệp, gồm 100 ha tại xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng và 200 ha tại xã Vĩnh Phong và Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ của một số HTX thuộc huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, với tổng diện tích 130 ha. Ngoài lúa gạo, HTX còn sản xuất, cung ứng rau sạch trồng theo công nghệ cao, theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Theo ông Kim Dương Liễu, tất cả các loại rau cửa hàng cung cấp tới tay người tiêu dùng đều đảm bảo tiêu chí “5 không”: Không giống biến đổi gen, không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích sinh trưởng và không chất bảo quản.

Vì rau được trồng bằng công nghệ trong nhà màng, sử dụng chế phẩm dung dịch hữu cơ có nguồn từ Nhật Bản. Ngay cả nguồn nước sử dụng là nước máy, còn được lọc qua hệ thống RO để loại bỏ kim loại, vi khuẩn. Hiện HTX đang sở hữu khu nhà màng chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như: xà lách, cải ngọt, cải rổ, cải bẹ dúng, rau muống... cung cấp ra thị trường hàng ngày.

“Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng nguồn hàng cung ra thị trường mỗi ngày vẫn trên dưới 50kg. Các thành viên HTX luôn thực hiện đúng kỹ thuật trồng theo phương pháp mới nên sản phẩm đạt yêu cầu. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng thị trường ngoài khu vực Rạch Giá để cung cấp cho tất cả người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn”, ông Kim Dương Liễu cho hay.

Hướng đến sản xuất xanh, sạch và bền vững

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn... mở ra nhiều triển vọng và được xem là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

-2330-1678334903.jpg

Nhiều mô hình HTX ứng dụng nông nghiệp hữu cơ đã giúp nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Thực tế cho thấy, ở một số địa phương trong tỉnh các mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất theo hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và thực hiện được mục tiêu tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương.

Theo ông Lê Quốc Anh, đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ dành nguồn kinh phí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với hơn 22,8 tỷ đồng để triển khai các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp, gắn với nông nghiệp sạch.

Tỉnh phấn đấu nâng nâng thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đề ra.

“Nhờ tham gia HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, các hộ nghèo trong tỉnh có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, từ đó thu nhập được nâng lên”, ông Lê Quốc Anh nói.

Đoàn Huyền


Tác giả: Đưa sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết