Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới

Đô thị cổ Hội An vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính, là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, đời sống của người dân được nâng cao từ lợi ích của di sản mang lại.

Sáng 4/12, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận đô thị văn hóa thế giới (04/12/1999 – 04/12/2024).

TP. Hội An kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới

TP. Hội An kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới

Đô thị cổ Hội An được bảo tồn, là điểm đến hàng đầu Việt Nam

Phát biểu chào mừng tại chương trình, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, trong 25 năm qua – kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng.

Đây là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp trung ương và tỉnh Quảng Nam, các tổ chức, bạn bè quốc tế. Di sản Văn hóa Hội An đã thực sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh

Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh

Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam là địa phương duy nhất trên cả nước có 3 danh hiệu được UNESCO công nhận. Đó là 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn và 1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Cả 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn cùng được UNESCO công nhận vào ngày 04/12/1999.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 25 năm trước, từ một đô thị nhiều khó khăn, nguy cơ sụp đổ các di tích, đến nay, Đô thị cổ Hội An đã trải qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo; là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, khu vực và quốc tế; đời sống của đại bộ phận Nhân dân được nâng cao rõ rệt từ lợi ích của di sản mang lại. "Đây là thành quả hết sức to lớn và đầy tự hào suốt chặn đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An", ông Hồ Quang Bửu nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cũng tin tưởng với những nền tảng kết quả, truyền thống văn hóa đó, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại; góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

“Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại. Từ đó, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới”, ông Bửu kỳ vọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu

Người dân Hội An làm tốt công tác bảo vệ di sản và được hưởng lợi kinh tế từ di sản

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho rằng, Đô thị cổ Hội An đã chứng minh vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và người dân trong việc giữ gìn di sản và phát huy di sản để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện UNESCO cũng đánh giá cao những nỗ lực của TP. Hội An trở thành thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. "Việc tham gia mạng lưới này minh chứng cho cam kết của Hội An đối với sự phát triển bền vững dựa trên nguồn lực địa phương. Cách tiếp cận này đã làm nổi bật nguồn lực văn hóa nội sinh của Hội An, chứng minh mối quan hệ đa chiều và gắn kết của Hội An với các giá trị di sản khác. Đồng thời cũng là câu chuyện đầy cảm hứng về thành phố sáng tạo bắt nguồn từ di sản của cộng đồng với sự tham gia tích cực của cộng đồng vì sự phát triển của chính cộng đồng đó", ông Jonathan Baker nhấn mạnh.

Còn ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì cho rằng, Đô thị cổ Hội An hôm nay là minh chứng và là điển hình về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đô thị cổ Hội An đã và đang đáp ứng được các nguyên tắc, yêu cầu theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam đã tham gia.

25 năm qua, Đô thị cổ Hội An bảo tồn gần như nguyên vẹn kiến trúc, người dân được hưởng lợi kinh tế từ giá trị di sản mang lại (Ảnh: Vũ Lê)

25 năm qua, Đô thị cổ Hội An bảo tồn gần như nguyên vẹn kiến trúc, người dân được hưởng lợi kinh tế từ giá trị di sản mang lại (Ảnh: Vũ Lê)

Ngoài chương trình gặp mặt, kỷ niệm 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, TP. Hội An còn tổ chức chuỗi các hoạt động đậm văn hóa Hội An như khai trương Bảo tàng thổ sản Hội An; diễu hành chào mừng 25 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật