Thanh Hóa: Chuyển đổi số “ghi điểm” với nhiều kết quả ấn tượng
Công tác chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp 842 dịch vụ công trực tuyến một phần và 868 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.710 dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến giải quyết đúng và trước hạn hàng năm trung bình đạt khoảng 98%. Qua đó, giúp các cơ quan nhà nước công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tỉnh Thanh Hóa ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ứng dựng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số (Sở Công Thương Thanh Hóa) |
Chị Nguyễn Thị Hương (xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Tôi vừa nộp thuế trước bạ xe ô tô bằng hình thức trực tuyến, rất nhanh và thuận tiện, đỡ mất công và không phát sinh chi phí. Mấy năm trước, cũng nội dung đi nộp thuế trước bạ xe tải, nhưng tôi phải mất cả buổi sáng mới xong thủ tục. Có thể nói chuyển đổi số đã giúp người dân chúng tôi rất nhiều” .
Còn anh Lê Xuân Hùng (xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung) cho biết: “Tôi có công việc bên Lào, nên phải làm giấy Liên vận xe ô tô qua cửa khẩu. Được cán bộ Sở Giao thông vận tải tại Trung tâm hành chính công tỉnh hướng dẫn, hàng tháng, tôi đều làm thủ tục xin giấy Liên vận xe ô tô bằng hình thức trực tuyến rất thuận tiện, không phải mất chi phí gì mà nhanh gọn”.
Không chỉ chính quyền số, kinh tế số cũng được tỉnh Thanh Hóa thực hiện rất hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho thấy, năm 2023, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh Thanh Hóa trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%. Đến nay, có khoảng 3.500 doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng số; đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và hơn 11.300 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên các sàn thương mại điện tử; cung cấp hơn 537.800 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 910.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Doanh nghiệp ở Thanh Hóa áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Linh Hương) |
Bên cạnh đó, xã hội số cũng được tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả. Toàn tỉnh đã thành lập gần 4.400 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, bản, khu phố với gần 14.700 thành viên tham gia. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng về kiến thức công nghệ thông tin, được tập huấn hướng dẫn cách truyền đạt đến bà con những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số...
Phấn đấu đến năm 2025, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thúc đẩy CĐS trên địa bàn rộng hơn, sâu hơn. Ngày 6/8/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liên đã ký Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc “Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CĐS và Ngày CĐS (ngày 10/10 hằng năm); những mô hình hay, việc làm thiết thực của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng về CĐS; quảng bá các giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; những thành tựu của Việt Nam, của Thanh Hóa trong công tác CĐS gắn với những kết quả cụ thể, nhất là trong công tác cải cách hành chính, thương mại điện tử, hoạt động CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại huyện Hà Trung (Ảnh Nguyễn Văn Tước) |
Tổ chức tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS; ý nghĩa, vai trò và lợi ích của CĐS mang lại; tìm hiểu về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tổ chức đồng loạt ra quân thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số để hưởng ứng Ngày CĐS trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, với chiến dịch ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số” của Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh tại các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, ứng dụng thiết thực để phát triển kinh tế số...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Nguyễn Văn Tước - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã khẳng định và hiện nay tăng tốc về đích. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, từ trên xuống dưới - từ trong ra ngoài - từ dễ đến khó - từ nhỏ đến lớn; nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và mục tiêu, động lực của CĐS nên đã mang lại nhiều kết quả quan trọng".
Ông Nguyễn Văn Tước, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa (Ảnh HM) |
"Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030, tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cả về thể chế, cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số nhằm đạt được kết quả cao trên tất các mặt" - ông Nguyễn Văn Tước nhấn mạnh.
Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố cốt lõi giúp chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua.