Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu phí không dừng vẫn còn nhiều bất cập

Được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích nhưng đến nay, dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn còn những bất cập về lượng phương tiện dán thẻ cũng như quá trình vận hành vẫn chưa được thông suốt. Cả nước hiện có 113 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC. Trong đó, 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), 30 trạm đã lắp 3 làn, còn 20 trạm mới lắp đặt được 2 làn...

So với thu phí thủ công, việc thực hiện thu phí không dừng giúp mang lại nhiều lợi ích như: không sử dụng tiền mặt, xe không cần dừng khi qua trạm... Các phương tiện chỉ cần dán 1 thẻ đầu cuối là có thể qua tất cả trạm thu phí trên toàn quốc. Việc nạp tiền, trả tiền được đa dạng hóa với nhiều hình thức như áp dụng ví điện tử, kết nối liên ngân hàng giúp chủ phương tiện chủ động trong việc nộp tiền, quản lý tài khoản giao thông.

Điều này giúp tiết kiệm thời gian của chính các tài xế cũng như đơn vị thu phí. Đặc biệt, thu phí không dừng sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch trong công tác thu phí, từ đó tránh gây thất thoát tài chính cho các chủ đầu tư và Nhà nước.

2,4 triệu phương tiện dán thẻ?

Mặc dù mang lại không ít lợi ích nhưng thực tế cho thấy, hình thức này vẫn chưa được nhiều chủ phương tiện ưa chuộng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện có khoảng 2,4 triệu phương tiện đã dán thẻ ETC, chỉ chiếm hơn 50% tổng số phương tiện trên toàn quốc.

Điều đáng nói là trong tổng số 2,4 triệu phương tiện dán thẻ ETC thì mới chỉ có khoảng 50% phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Còn lại một nửa số phương tiện (chủ yếu là xe cá nhân) đang đứng ngoài cuộc chơi vì dù đã thực hiện dán thẻ ETC nhưng họ không sử dụng hoặc không nộp tiền vào tài khoản giao thông.

Khảo sát của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam -VIDIFI), hiện tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC trên tuyến đường này vẫn còn thấp, chỉ khoảng 35% tổng lưu lượng xe trên tuyến.

Thống kê trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng cho thấy, số xe sử dụng dịch vụ ETC chỉ chiếm khoảng hơn 30% trên tổng lưu lượng xe trên tuyến.

Điều này khiến cho con số 2,4 triệu xe dán thẻ bị thu hẹp và đi cùng với đó là hiệu quả của dự án thu phí không dừng chưa đi vào thực chất.

thu-phi-8440-1644400835.jpg

Thu phí không dừng còn nhiều bất cập cần khắc phục.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn lớn, dẫn tới chủ phương tiện chưa quen với việc dán thẻ và thanh toán phí giao thông qua tài khoản.

Ngoài nguyên nhân chủ quan đó, không ít chủ phương tiện có ý thức sử dụng thẻ dịch vụ thu phí không dừng nhưng vẫn gặp những bất cập.

Anh Đinh Văn Phước (Hà Nội) cho biết xe của anh được Công ty VDTC hỗ trợ dán thẻ từ giữa năm 2021 nhưng đến nay vẫn bị báo lỗi. Anh đã liên hệ với đường dây nóng của doanh nghiệp này để được hỗ trợ nhưng nhân viên lại hướng dẫn phải đến trụ sở VDTC vào giờ hành chính nên gây bất tiện cho anh.

“Tôi chạy taxi và thường đi các chuyến đường dài nên sử dụng thẻ ETC sẽ thuận tiện hơn, hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực hiện dán thẻ có thể hỗ trợ xử lý các lỗi qua hình thức online thì sẽ phù hợp hơn”, anh Nam chia sẻ.

Mới đây, trên diễn đàn lớn về xe ô tô, vẫn có chủ phương tiện gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng bằng thẻ ePass khi đi qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ dù trong thẻ của lái xe này nạp đủ tiền.

Ngoài ra, nhiều chủ phương tiện vẫn còn gặp tình trạng xe qua trạm thu phí đầu vào được nhưng đến trạm đầu ra lại không giao dịch được do không có dữ liệu, không thấy trên hệ thống. Hay xe đi vào làn thu phí tự động, tài khoản bị trừ tiền rồi nhưng barie không mở...

Chưa thấy được sự ưu việt

Theo lộ trình của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2022 sẽ phấn đấu số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80 - 90%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu này một cách hiệu quả không phải là chuyện đơn giản, vì muốn thu phí không dừng đồng bộ thì công nghệ phải đồng bộ.

Hiện, để vận hành hệ thống thu phí không dừng vẫn còn rất phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể như: nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng, chủ các phương tiện tham gia giao thông…, trong khi công nghệ, nguồn nhân lực chưa được đầu tư nên thực tế vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể là tình trạng ùn tắc xe tại các trạm thu phí trong thời gian trước và sau Tết.

Bên cạnh đó, việc vẫn duy trì làn thu phí thủ công tại những trạm BOT cũng là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với dịch vụ thu phí không dừng.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có 113 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC. Trong đó, 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), 30 trạm đã lắp 3 làn, còn 20 trạm mới lắp đặt được 2 làn. Tại các trạm vẫn còn trên 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống ETC. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng thờ ơ với thu phí tự động của cả chủ các phương tiện và việc thực hiện thu phí chưa hiệu quả. Thậm chí, vào những dịp lễ, tết khi lưu lượng phương tiện qua trạm tăng cao, nhiều trạm đã phải mở làn thu phí tự động để cho phương tiện sử dụng hình thức thu phí thủ công đi qua gây lãng phí, giảm tính hiệu quả.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết muốn thu hút được người dân thực hiện thu phí tự động thì phải cho họ thấy được sự ưu việt vượt trội của hoạt động này mang lại trong thực tiễn. Và vẫn biết duy trì làn thu phí thủ công là bởi không phải địa phương nào cũng có đường thu phí và nhiều chủ xe ở miền núi, vùng sâu, hải đảo không có trạm thu phí, không có nhu cầu đi đường có thu phí mà buộc họ dán thẻ thì lãng phí.

Thế nhưng theo ông Liên, trong tương lai gần cần sớm xóa bỏ hẳn các làn thu phí thủ công để thay thế toàn bộ bằng thu phí không dừng thì số lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động mới tăng lên. Bên cạnh đó cần có sự liên kết thông suốt giữa các bên như chủ đầu tư, ngân hàng, Nhà nước… để có thể đầu tư đồng bộ về công nghệ, nhân lực, từ đó quá trình vận hành được thông suốt, dịch vụ bảo đảm thuận tiện, mang lại lợi ích cho người sử dụng .

Tùng Lâm


Tác giả: 2,4 triệu phương tiện dán thẻ?
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết