Thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệp năng lượng vào thị trường carbon
Tham gia vào thị trường carbon không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp năng lượng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Ngành năng lượng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, đây cũng là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng phát thải toàn cầu. Các doanh nghiệp năng lượng, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đang đứng trước áp lực phải thay đổi mô hình hoạt động để hướng tới sự phát triển bền vững.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực cốt lõi: năng lượng và bất động sản. Trong lĩnh vực năng lượng, TTVN Group đã xây dựng và đưa vào sử dụng bốn dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất đạt 404 MW (dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi (949,6 MW), Bình Định (49,5 MW) và Phú Yên (257 MW), cùng một dự án điện gió V12 tại Trà Vinh với công suất 48 MW).
Ông Vũ Mạnh Thắng - Ban Năng lượng Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group). Ảnh: Cấn Dũng |
Tại Hội thảo “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức”, sáng ngày 25/12, ông Vũ Mạnh Thắng - Ban Năng lượng Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cho biết, đáp ứng xu thế phát triển bền vững và giảm phát thải carbon thông qua năng lượng hydrogen, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng dự án điện khí LNG tại Thái Bình với công suất 1.500 MW. "Qua nghiên cứu thị trường, TTVN Group cũng nhận thấy nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là rất lớn. Do đó, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu và phát triển cơ chế bán điện DPPA, kết hợp với việc triển khai các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với tổng công suất lên tới 4.000 MW"- ông Thắng thông tin.
Việc tham gia vào thị trường carbon không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng. Thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí liên quan đến phát thải, nâng cao uy tín thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia thị trường carbon tại Việt Nam, theo ông Vũ Mạnh Thắng các doanh nghiệp năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc trên nhiều khía cạnh. "Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động đến tiến trình thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia"- ông Thắng nói.
Trước hết, ông Vũ Mạnh Thắng nhấn mạnh, hiện các thủ tục hành chính còn gây khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, vấn đề đăng ký hạn ngạch phát thải, báo cáo lượng phát thải và tham gia vào thị trường carbon còn đòi hỏi nhiều thủ tục và giấy tờ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn chưa đồng bộ khiến cho doanh nghiệp phải liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau, gây ra sự chậm trễ và khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Ngoài ra, về tài chính, theo ông Vũ Mạnh Thắng hiện chi phí đầu tư cho công nghệ giảm phát thải cao. Trong khi các công nghệ giảm phát thải, như năng lượng tái tạo, hệ thống lọc khí thải, thiết bị tiết kiệm năng lượng, đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Bên cạnh đó, dù có một số chương trình hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và tổ chức quốc tế, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn này không dễ dàng do thủ tục phức tạp và yêu cầu cao.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và phát thải nhiều khí nhà kính; thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn là một trong những thách thức của doanh nghiệp năng lượng, như thiếu chuyên gia về thị trường carbon và quản lý phát thải. “Điều này làm giảm khả năng của doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược và thực hiện các biện pháp giảm phát thải”- ông Thắng nói.
Việc thiếu thông tin về giá cả, quy trình giao dịch, hạn chế trong việc tìm kiếm đối tác và khách hàng quốc tế rủi ro về thị trường và kinh doanh, biến động giá carbon ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.... Cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp năng lượng đang gặp phải, gây khó khăn trong việc tham gia vào thị trường phát thải carbon được đại diện TTVN Group chỉ rõ.
Từ thực trạng hiện tại, ông Vũ Mạnh Thắng cho rằng, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và tận dụng cơ hội từ thị trường phát thải carbon.
Trước hết, theo ông Thắng, Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể, minh bạch; đơn giản hoá thủ tục hành chính. Theo đó, cần đảm bảo các quy định pháp luật liên quan đến thị trường phát thải carbon được xây dựng một cách minh bạch, nhất quán và dễ hiểu, tránh tình trạng chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật; cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường; khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để đóng góp ý kiến, kiến nghị việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến thị trường carbon. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ các quy định, trách nhiệm và quyền lợi của mình; đồng thời cần chủ động tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ khí hậu và các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực giảm phát thải. Tận dụng các chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ khí hậu xanh (GCF), để tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp cần đánh giá và nâng cấp các thiết bị, dây chuyền sản xuất để tăng hiệu quả năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu và phát thải. Tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, công nghệ lưu trữ năng lượng, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 50001 về quản lý năng lượng, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp. Triển khai hệ thống giám sát liên tục phát thải khí nhà kính, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và cải thiện hiệu suất môi trường.
Ngoài ra, theo ông Thắng, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá rủi ro liên quan đến biến động giá carbon, thay đổi chính sách và thị trường, từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa. Phát triển chiến lược kinh doanh dài hạn, linh hoạt, có tính đến các kịch bản khác nhau của thị trường phát thải carbon. Đảm bảo chất lượng và tính bền vững của sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng các biện pháp tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh.