Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Chi gần 1.300 tỷ đồng chăm lo Tết Giáp Thìn cho người dân

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TP. Hồ Chí Minh đã chăm lo cho hơn 1,4 triệu người dân với tổng kinh phí hơn 1.294 tỷ đồng.

Sáng 20/2, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn; gặp mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn năm 2024.

Sự kiện có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng các Phó Chủ tịch thành phố, đại diện các sở, ngành, quận, huyện và các xã, phường.

Báo cáo kết quả tổ chức, chăm lo Tết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin, thành phố đã tập trung chăm lo cho người lao động, người yếu thế với tinh thần không để ai không có Tết.

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung, cộng đồng doanh nghiệp cũng cố gắng chi trả lương thưởng tốt cho người lao động với mức bình quân 12,3 triệu đồng/người.

TP. Hồ Chí Minh: Chi gần 1.300 tỷ đồng chăm lo Tết Giáp Thìn cho người dân

Người lao động vui mừng khi được hỗ trợ vé tàu, xe về quê đón Tết

Tổng kinh phí chăm lo Tết Giáp Thìn hơn 1.294 tỷ đồng, tăng 5,27% (tăng hơn 64,7 tỷ đồng), chăm lo cho 1.410.869 lượt người, tăng 115.833 lượt người so với Tết Quý Mão năm 2023 (năm 2023 tổng số tiền là 1.229.423.163.970 đồng, chăm lo cho 1.295.036 lượt người) từ nguồn kinh phí ngân sách và nguồn xã hội hóa. Trong đó, kinh phí Trung ương hơn 12,7 tỷ đồng; kinh phí thành phố hơn 915,1 tỷ đồng. Kinh phí quận, huyện và TP. Thủ Đức hơn 39,6 tỷ đồng; kinh phí vận động hơn 326,7 tỷ đồng.

Thành phố cũng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 561.063 lượt người thuộc diện chính sách có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các diện khó khăn khác với tổng kinh phí là 654.265.800.000 đồng (trong đó nguồn ngân sách Trung ương chăm lo cho 53.644 trường hợp với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng).

Ngoài nguồn ngân sách chăm lo Tết của thành phố, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã chăm lo thêm từ nguồn ngân sách của địa phương cho người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các diện khác với số tiền hơn 39,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng luôn quan tâm hỗ trợ các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trú đóng xa thành phố, các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật vận động, khuyết tật giác quan, tâm thần, các hội đặc thù, các câu lạc bộ hưu trí, truyền thống kháng chiến trên địa bàn…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, năm 2024, TP. Hồ Chí Minh chăm lo thêm cho trẻ em có cha hoặc mẹ đang bị phạt tù, trẻ có cha hoặc mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trẻ ở trường giáo dưỡng.

Thành phố cũng chăm lo người cao tuổi không có lương hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; thăm bí thư chi bộ khu phố tiêu biểu; thăm các đơn vị, hội đặc thù, các câu lạc bộ hưu trí, truyền thống kháng chiến trên địa bàn

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, phối hợp các địa phương chăm lo cho 427.600 lượt người với 216 tỉ đồng.

Điểm đặc biệt là chương trình "Xuân quê hương năm 2024" được tổ chức thành công, có ý nghĩa quan trọng, đây không chỉ là lễ hội của kiều bào mà còn là của người dân TP. Hồ Chí Minhvà cả nước, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

“Các hoạt động lễ hội, sự kiện mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 đã được thiết kế, chuẩn bị chu đáo, để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, ấm cúng, gần gũi trong lòng Nhân dân, phục vụ tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thaTP, đảm bảo theo phương châm “Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm”, văn hóa, văn minh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh

Thông tin tình hình giao thông những ngày Tết, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết, trong 15 ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có 3,6 lượt khách đến TP. Hồ Chí Minh, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy lượng khách đến thành phố lớn nhưng tình hình giao thông thuận lợi, không có ùn tắc, trừ một số chuyến bay bị trễ từ phía Bắc vào do ảnh hưởng thời tiết xấu.

Trong 7 ngày cao điểm, các lực lượng đã xử lý 5.700 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trong đó có 2.776 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Việc này góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông, nhất là số người chết giảm sâu với 47% so với năm ngoái.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết