Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vật liệu xây dựng thay thế, tái chế “gặp khó”

Sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) thay thế, tái chế đang là xu hướng mới nhằm giảm áp lực cho nguồn cát, sỏi tự nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường và giúp người dân tiếp cận được vật liệu giá rẻ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu nhân tạo này vẫn còn khiêm tốn, khiến các đơn vị sản xuất gặp khó khăn.

Điểm tập kết RTXD của Công ty TNHH MTV Long Tường còn "đói" rác

Dù đã bước vào mùa cao điểm xây dựng, nhưng lượng cát nghiền (cát nhân tạo) được sử dụng tại các công trình xây dựng lại khá “khiêm tốn”. Hưởng ứng chủ trương của tỉnh, nhiều năm trước, HTX Xuân Long đã đầu tư nhiều thiết bị máy móc phục vụ sản xuất cát nghiền đưa vào trong xây dựng dần thay thế cát tự nhiên tại khu vực Bắc Khe Ly (xã Hương Thọ, TP. Huế). Từ lượng đá xây dựng dôi dư, trải qua quá trình xay nhỏ, tách tuyển, lọc rửa cho ra cát nhân tạo.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Xuân Long cho biết, dù cát nghiền đạt các tiêu chuẩn xây dựng công trình, có giá rẻ hơn cát tự nhiên (295 nghìn đồng/m3 so với 370 nghìn đồng/m3 cát tự nhiên hiện nay), nhưng lượng tiêu thụ nhỏ giọt, chưa được người dân biết đến nhiều. Hiện tại ở đơn vị dù công suất thiết kế sản xuất 251 nghìn m3 cát nghiền/năm, nhưng những năm qua chỉ tiêu thụ bình quân khoảng 10 nghìn m3/năm. Ngoài được sử dụng trong công trình vốn Nhà nước thì cát nhân tạo chỉ được người dân biết đến qua xây dựng dân dụng ở khâu nong nền nhà. Việc tiêu thụ ít khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cát tự nhiên ngày một khan hiếm, không được cấp mỏ mới và phụ thuộc vào nguồn cung ngoài tỉnh nên chất lượng cũng “trôi nổi” theo giá thị trường.

Tương tự, theo tính toán của cơ quan chức năng, lượng rác thải xây dựng (RTXD) trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 78.840 tấn; năm 2025 là hơn 81.760 tấn và năm 2030 tăng lên khoảng 84.700 tấn. Đây là nguồn cung khá dồi dào, nếu tập trung nghiên cứu, đầu tư máy móc, công nghệ để tận dụng tái chế loại rác này thành VLXD sẽ góp phần giảm áp lực cho nguồn cát, sỏi khai thác tự nhiên và người dân có cơ hội mua được vật liệu giá rẻ, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

TP. Huế đã quy hoạch bãi chứa RTXD tại kênh Nam sông Hương (phường An Tây, TP. Huế) thuộc Công ty TNHH MTV Long Tường nhằm thu gom, tái chế xà bần ra các vật liệu sản xuất gạch không nung, cát xây dựng trở lại phục vụ các công trình. Tuy nhiên, lượng RTXD tập kết tại đây cũng chỉ đạt 1/3 công suất bãi chứa và gạch tái chế cũng chỉ được sử dụng “nhỏ giọt” do người dân, chủ đầu tư còn lo ngại khi sử dụng vào các công trình xây dựng.

Ông Dương Duy Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường cho biết, thời gian cao điểm, có gần 100 tấn RTXD được công ty tiếp nhận vào bãi chứa mỗi ngày. Với 50 khối RTXD, công ty sẽ tận thu được 10-12 khối cát, số còn lại là đá và bùn. Lượng RTXD này được doanh nghiệp vận chuyển ra nhà máy đóng tại Cụm Công nghiệp Tứ Hạ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) để xay nghiền, tinh tuyển tận thu lại cát, đá, bùn để tái sử dụng. Theo đó, RTXD sau khi vận chuyển về nhà máy sẽ được xay vụn, đưa nước sàng lọc và tách rửa thành 5 loại sản phẩm như cát xây dựng, đúc gạch không nung, đá…; còn bụi bẩn, xi-măng ở bể lắng lọc được xử lý tạo ra bùn trồng cây hoặc vật liệu san nền cho các công trình.

Tuy nhiên, theo ông Long, hiện bãi tiếp nhận RTXD của ông vẫn còn “đói” rác, chỉ đạt khoảng 30% công suất, nhà máy phải chờ gom hàng nên 3-4 ngày mới hoạt động một lần do người dân vẫn tìm mọi cách đổ trộm. Mặt khác, các VLXD sau khi tách tuyển, tái chế làm gạch không nung, cát xây dựng lượng bán ra cũng chỉ bán nhỏ lẻ (khoảng 25 nghìn m3 cát và 150 nghìn viên gạch/năm), chủ yếu trong xây dựng dân dụng, dù giá thành chỉ bằng 50-60% các VLXD khác. Nguyên nhân, do người dân vẫn chưa có thói quen và tin tưởng vào chất lượng của những VLXD tái chế này.

Theo Sở Xây dựng, liên quan đến sử dụng VLXD nhân tạo, từ năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh, trong đó lộ trình thực hiện giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp.

Không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xử lý nền móng. Từ năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng khoảng 80% cát nghiền thay thế cát tự nhiên, hạn chế khai thác cát lòng sông. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ không sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông làm VLXD mà sẽ thay thế bằng cát nạo vét từ lòng hồ thủy điện, cát nội đồng, cát nghiền, cát xay từ phế thải xây dựng…

Về lâu dài sẽ nghiên cứu quy hoạch vùng, có kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất VLXD nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể đáp ứng nguồn cung cấp số lượng lớn sản phẩm mà thị trường yêu cầu. Tập trung khuyến khích các cơ sở khai thác và chế biến đá làm VLXD đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác. Kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các nhà máy sản xuất cát theo hướng công nghiệp để thay thế cát tự nhiên khai thác từ lòng sông.

Triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý. Theo đó, áp dụng đối với các kết cấu bê tông có Mác 200 trở xuống (bê tông lót, bê tông nền, vữa xây móng, bậc cấp) và khuyến khích sử dụng cát nghiền trong các kết cấu bê tông chịu lực của công trình và trong các hạng mục khác đảm bảo chất lượng, an toàn. Trường hợp các đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm có sản phẩm bê tông sử dụng cát nghiền đảm bảo chất lượng thì khuyến khích sử dụng trong công trình. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực sử dụng cát nghiền trong các sản phẩm xây dựng nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh...

Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng khối lượng khai thác cát khoảng 8 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, bổ sung một lượng ít nhập từ các địa phương khác. Giai đoạn 2020-2030, nhu cầu cát cho xây dựng của tỉnh vượt quá năng lực khai thác cát, cần nghiên cứu, sử dụng các loại vật liệu thay thế.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN


Tags: Vật liệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết