Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì đâu ngành tôm Việt vừa cạnh tranh yếu, vừa phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng?

Trước tình hình xuất khẩu tôm trong quý 1/2023 sụt giảm đến khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đang đặt ra không ít vấn đề về sức cạnh tranh yếu của ngành tôm Việt hiện nay. Nhất là khi chi phí đầu vào sản xuất quá cao, chưa kể ngành tôm Việt mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân, là yếu tố bất lợi của Việt Nam khi cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), hiện tại giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Giá thành quá cao nên khó đối đầu

Đó là lý do mà con tôm của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn của hai đối thủ này ở thị trường Trung Quốc (đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm) với thế mạnh là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ.

-4702-1681722634.jpg

Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt mất sức cạnh tranh.

Tương tự, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam sang Mỹ cũng đang vấp phải sự cạnh tranh từ con tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Trong khi Ecuador đang tăng sản lượng và các sản phẩm bán tại thị trường Mỹ thì sản phẩm tôm của Ấn Độ đang được chấp nhận tốt hơn trên thị trường này từ các sản phẩm giá trị gia tăng.

Ngay như các tháng cuối năm rồi, mặc dù bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tình hình tiêu thụ tôm của Ecuador vẫn khả ổn định tại thị trường Mỹ, trong khi nhiều quốc gia đã giảm hơn 50% vào các tháng cuối năm, trong đó có Việt Nam

Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng việc sụt giảm kim ngạch XK tôm trong quý 1/2023 là lẽ hợp tình trong khi các doanh nghiệp (DN) làm hàng XK khó khăn còn kéo dài.

Ông Lực có nhờ người quen là một nhà tiêu thụ khá nhiều tôm Ecuador ở Mỹ tìm hiểu thông tin thì được biết, tỷ lệ nuôi thành công ở Ecuador dao động 80 - 87%; thức ăn dao động 1 - 1,2 USD/kg tuỳ hàm lượng đạm. Trong khi đó, tỷ lệ nuôi thành công của Việt Nam dưới 40%, có nghĩa là năng suất chỉ bằng một nửa của Ecuador.

Vị chủ tịch của FMC cũng nói rõ thực trạng người nuôi tôm của Việt Nam đang bị đẩy ra “trận” đối đầu người nuôi tôm các nước. Nhất là khi người nuôi tôm nuôi với tỷ lệ thành công thấp, khiến giá thành tăng cao thì sẽ khó đối đầu nổi.

“Mặc dù người nuôi tôm chúng ta có bạn đồng hành là nhà chế biến có năng lực, bản lĩnh để tiêu thụ giá tốt hơn, mua giá tôm thương phẩm của người nuôi cao hơn, nhưng khó bù đắp khoảng cách chênh lệch giá thành, cái gốc do tỷ lệ nuôi thành công quá thấp”, ông Lực chia sẻ.

Xét về kiểm soát con tôm giống, ở Việt Nam có trên 2.000 cơ sở sản xuất cung ứng giống khó quản lý nổi và thời gian qua cho thấy, tôm giống trôi nổi, giá rẻ, chất lượng thấp đã làm tỷ lệ nuôi thành công rất thấp, khiến giá thành tôm nuôi tăng cao. Trong khi đó, Ecuador hay Thái Lan có số đơn vị sản xuất giống tính trên đầu ngón tay nên quản lý tôm giống được đánh giá là thuận lợi hơn.

Hệ lụy nuôi tôm sử dụng kháng sinh

Ngoài ra, cần lưu ý thêm hiện nay diện tích nuôi tôm đạt chuẩn ASC ở Việt Nam còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi, trong khi của Ecuador là 20%, và tôm họ chiếm lĩnh thị trường EU, nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến. Nguyên nhân do thực trạng ngành nuôi tôm trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khó đáp ứng yêu cầu.

Còn theo ông Lê Văn Quang, có một số vấn đề tồn tại hiện nay đã làm cho ngành tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia nuôi tôm khác như Ấn Độ, Ecuador. Trong đó, như lưu ý của vị tổng giám đốc MPC, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân.

Cụ thể, đó là chi phí mà DN phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là khoảng chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm qua.

Đó còn là chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà DN phải chịu và bị trừ vào giá bán. Cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài do phải chờ thời gian lấy mẫu và chờ kết quả kiểm kháng sinh, từ đó khả năng cạnh tranh của tôm bị giảm sút.

Trong bối cảnh cạnh tranh yếu như vậy, ông Quang cho rằng để phát triển ngành thủy sản, nên tập trung chú trọng nhiều hơn trong việc phát triển con tôm, bao gồm từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu, giúp con tôm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

Nhất là khi tôm là mặt hàng XK chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, hàng năm kim ngạch XK tôm chiếm từ 40 – 45% tổng kim ngạch XK của cả ngành thủy sản.

Như đề xuất của ông Quang, Chính phủ cần mạnh tay với kháng sinh, nên kiểm kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi, nếu phát hiện kháng sinh phải hủy ao tôm đó thì mới dẹp được thói quen dùng kháng sinh của người dân.

Đặc biệt là cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với công ty và người bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh... có trộn kháng sinh là cắt giấy phép kinh doanh và xử lý hình sự.

Trước thực trạng tỷ lệ thành công của nuôi tôm Việt Nam dưới 40%, để tăng sức cạnh tranh đang đòi hỏi ngành tôm Việt cần sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường của từng vùng miền của Việt Nam. Để từ đó có thể đưa tỷ lệ thành công của nuôi tôm ở Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.

                                                                                 Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết